CAM BUSINESS

Một chiến lược hiệu quả bắt đầu bằng mục tiêu đúng đắn

“Doanh Chủ là những nhà tư duy dự đoán. Họ cân nhắc tất cả các kết quả có thể xảy đến trước khi đưa ra hành động.”

Playing cards

BUSINESS
OWNERS

“Những câu hỏi
bắt buộc phải trả lời”
dành cho danh chủ.

tìm hiểu thêm

"RÈN LUYỆN 4 KỸ NĂNG VÀNG CỦA MỘT DOANH CHỦ ĐÍCH THỰC"

PHẨM CHẤT CÁ NHÂN

Giữ một cái đầu tỉnh táo để tuân theo đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất trong sạch

KỸ NĂNG TƯƠNG TÁC

Học cách lắng nghe, tương tác đội nhóm để luôn có một hình ảnh tích cực trong mắt mọi người 

THÍCH NGHI & ỨNG BIẾN

Khó khăn sẽ ập đến ở mọi phía, một doanh chủ giỏi sẽ luôn bình tỉnh để biến “nguy” thành “cơ”

NẮM BẮT CƠ HỘI

Cân nhắc, phán đoán thời cơ của cơ hội tốt để trở thành một doanh chủ thành công

TRI THỨC DOANH CHỦ

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu

Hãy hành động! Thấu hiểu, chân thành và đồng hành dài lâu là những điều sẽ có tại Tư duy doanh chủ”

Các nhà bán lẻ hãy cẩn thận: Đối với khách hàng, giá thấp thường bị coi là “rẻ rúng”. 

Mặc dù mọi người đều thích mua hàng với giá hời, nhưng khi mức giá nhà sản xuất đưa ra quá thấp, khách hàng cũng có thể đánh giá thấp sản phẩm. Kết quả là thay vì vui vẻ nhận được một món hời, khách hàng thường tin rằng “của rẻ là của ôi”.

Mặc dù các chiến lược định giá thấp có thể hiệu quả với một số công ty và một số mặt hàng nhất định, nhưng chúng không phải là ý tưởng tuyệt vời cho nhiều ngành kinh doanh.

Bài viết này dành cho các chủ doanh nghiệp muốn tìm hiểu cảm nhận của khách hàng và tránh hạ thấp giá trị sản phẩm khi đưa ra mức giá thấp. 

Người tiêu dùng cảm nhận thế nào về sản phẩm giá thấp?

Rẻ hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt, được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng, cho thấy giá thấp có thể phản tác dụng đối với các nhà bán lẻ vì người tiêu dùng đôi khi coi giá thấp là dấu hiệu của một sản phẩm chất lượng thấp. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người tiêu dùng đôi khi xem giá thấp chỉ đơn giản là giao dịch tốt. Nhận thức của người mua hàng về mức giá thấp phụ thuộc vào những gì họ nghĩ đến khi quyết định mua một sản phẩm.

Steve Posavac, giáo sư marketing tại Đại học Vanderbilt và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Điểm mấu chốt trong nghiên cứu của chúng tôi là mọi người có thể giữ hai niềm tin đối lập nhau về một sản phẩm. Khi nói về giá cả, mọi người có thể nghĩ đồng thời hai điều: giá thấp đồng nghĩa với giá trị tốt và giá thấp đồng nghĩa với chất lượng kém. Nhưng hai niềm tin này không phải lúc nào cũng hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng”.

Giá trị chất lượng đều là thuộc tính của một sản phẩm/dịch vụ, ảnh hưởng lớn đến doanh số và cũng góp phần tạo ra hình ảnh của công ty. Hai khái niệm này có rất nhiều điều thú vị để bàn: 

– Chất lượng là rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cảm nhận về chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất và của khách hàng cũng giống nhau. 

– Người tiêu dùng mua một sản phẩm không hẳn vì chất lượng của nó (rất nhiều quyết định mua hàng phụ thuộc vào thời điểm, cảm xúc, tâm lý), nhưng họ sẽ không quyết định mua sản phẩm nếu nó không có chất lượng. 

– Chất lượng sản phẩm nằm trong tay nhà sản xuất, nó phụ thuộc vào khả năng tạo ra một sản phẩm mang lại hiệu suất mà người tiêu dùng đang tìm kiếm.

– Chính người tiêu dùng là người xác định giá trị của sản phẩm bằng cách phân tích hiệu suất của sản phẩm so với giá thành của nó. 

– Khách hàng có thể không ngại trả giá cao hơn cho một sản phẩm mà họ tự đánh giá là có giá trị cao. 

Do vậy, khi gặp một sản phẩm có giá thấp, tùy vào đánh giá chủ quan của mỗi người, khách hàng có thể cảm thấy sản phẩm đó có giá trị tốt (hiệu suất cao so với mức giá của nó) hoặc sản phẩm đó có chất lượng thấp (vì chất lượng thấp nên mới có mức giá thấp). Nếu mua sản phẩm đó, họ có thể xem đây là một giao dịch tốt hoặc có thể thấy nó không xứng với số tiền bỏ ra (dù giá thấp).  

Posavac nói: “Người tiêu dùng hiếm khi có thông tin đầy đủ và họ sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để lấp đầy khoảng trống trong kiến ​​thức khi họ cân nhắc và lựa chọn sản phẩm. Một trong những chiến lược này liên quan đến việc sử dụng các lý thuyết “ngây thơ”, những giải thích không chính thức và vô nghĩa”. 

Chẳng hạn, khi một món đồ có giá cao được đặt trong một cửa hàng sang trọng, người tiêu dùng có thể tự lý giải vì đây là sản phẩm cao cấp nên có giá cao. Họ có khả năng mua nó vì niềm tin đối với bên bán hàng. Trong khi đó, nếu món đồ này với mức giá chiết khấu được bán tại một cửa hàng nhỏ, người tiêu dùng có thể nghĩ rằng nó bị “đội giá” so với thực tế, dù mức giá này rẻ hơn hẳn ở cửa hàng sang trọng. 

Không dễ để một doanh nghiệp quản lý nhận thức của khách hàng về giá cả (một con số) so với giá trị (một niềm tin). 

Cải thiện nhận thức của người tiêu dùng về giá thấp

Các công ty có thể tác động đến cảm nhận của người tiêu dùng về mức giá thấp của sản phẩm bằng cách tiến hành nghiên cứu thị trường và cải thiện chiến lược tiếp thị. Trong nghiên cứu của Vanderbilt, khi các công ty tập trung vào chất lượng sản phẩm trong các tài liệu marketing, người tiêu dùng có vẻ ưu ái hơn đối với các sản phẩm đắt tiền hơn. Tuy nhiên, khi các công ty tập trung vào giá trị (phân tích hiệu suất sản phẩm so với mức giá), người tiêu dùng sẽ ưu ái các sản phẩm giá rẻ hơn.

Posavac cho biết: “Một công ty thực hiện chiến lược định giá thấp hàng ngày có thể làm giảm giá trị thương hiệu và khiến người tiêu dùng xa lánh nếu nhiều người trong số họ tin rằng giá thấp tương đương với chất lượng thấp”. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tăng giá sản phẩm có liên quan mật thiết tới việc tăng giá trị, nhưng đó không phải là tất cả. Điều quan trọng là phải kết hợp cả giá trị và sự tiện dụng của sản phẩm để người tiêu dùng cảm thấy mình đang nhận được nhiều hơn số tiền mình bỏ ra. Việc giới thiệu một sản phẩm cải tiến nhưng vẫn có giá cạnh tranh có thể làm tăng tỷ lệ bán hàng thành công và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.

Tránh nhận thức “của rẻ là của ôi”

Tất nhiên, giá của một sản phẩm không phải lúc nào cũng phản ánh chất lượng của nó. Ví dụ, tiền tệ có thể đóng một vai trò trong việc định giá sản phẩm ở các quốc gia khác nhau. Ở một số nơi trên thế giới, đồng đôla Mỹ rất có giá. Ở một số quốc gia khác, bạn có thể mua một bữa ăn 4 món ngon với giá một phần ba so với giá ở Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chất lượng thực phẩm kém.

Một lý do khác khiến một sản phẩm chất lượng cao có thể được định giá thấp liên quan đến cung và cầu. Nếu một sản phẩm cụ thể không có nhu cầu cao, giá có thể giảm để thu hút mọi người mua sản phẩm đó. Mặt khác, nếu dư thừa một sản phẩm, công ty có thể giảm giá để loại bỏ hàng tồn kho dư thừa. Điều này không có nghĩa là sản phẩm bị lỗi hoặc không hữu ích.

Để các công ty kiểm soát cảm nhận của khách hàng về mức giá, giám đốc marketing phải xây dựng thương hiệu một cách phù hợp, mang lại cho người tiêu dùng những từ đắt giá ghim sâu trong tâm trí họ khi nhắc về công ty (“tiện dụng”, “tốt nhất trong tầm giá”…). Khi đó, nếu công ty sử dụng mô hình định giá thấp hàng ngày, khách hàng sẽ không nghĩ đến việc sản phẩm của bạn rẻ như thế nào hoặc mặc định nó có chất lượng thấp. Thay vào đó, họ sẽ nghĩ xem sản phẩm của bạn có giá trị lớn như thế nào.

Các công ty dịch vụ tiết lộ giá thấp cho người tiêu dùng thông qua marketing và quảng cáo, nhưng quản lý phương pháp tiếp cận của bạn là điều cần thiết. Nếu bạn hoạt động kinh doanh dịch vụ, việc tạo ra một bảng báo giá cạnh tranh sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong kinh doanh dịch vụ, giá cả đôi khi khác nhau tùy theo khách hàng và khách hàng sẽ muốn biết chính xác những gì họ nhận được với mức giá đó. 

Bên cạnh việc đưa ra mức giá cạnh tranh, hãy minh bạch và chỉ ra chi tiết về mọi thứ bạn sẵn sàng cung cấp cho khách hàng với mức giá đó. 

(Nguồn: Business News Daily)

 

Lạm phát và cách nó tác động đến nền kinh tế rộng lớn hơn có rất nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của từng doanh nghiệp. 

Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu những kiến thức cơ bản liên quan đến lạm phát, từ đó xác định cách đối phó với nó. 

Lạm phát là gì?

Lạm phát là sự tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Nó cũng có thể được coi là sự giảm giá trị của đồng tiền, bởi vì người tiêu dùng hiện có thể mua được ít hơn so với trước đây với cùng một đồng đó. 

“Lạm phát” là một từ thông dụng mà hầu hết mọi người đã nghe nhưng ít người thực sự hiểu. Bạn có thể biết rằng lạm phát có liên quan nhiều đến giá hàng hóa và dịch vụ, nhưng bạn không chắc chúng có liên quan như thế nào. Tại sao lạm phát xảy ra, nó đến từ đâu, và tại sao lạm phát lại quan trọng đối với các doanh nghiệp?

Từ năm 1913 đến năm 2013, Mỹ đã trải qua tỷ lệ lạm phát trung bình là 3,22% . Điều đó có nghĩa trung bình một món đồ có giá 100 đô la trong năm nay sẽ có giá 103,22 đô la vào năm sau. 

Lạm phát được tính toán bởi Cục Thống kê Lao động bằng cách sử dụng một số chỉ số kinh tế, bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số giá sản xuất (PPI). 

Chỉ số CPI đo lường sự thay đổi giá cả ở khía cạnh của người tiêu dùng và theo dõi sự thay đổi giá cả của các hàng hóa/dịch vụ khác nhau. PPI xem xét sự thay đổi giá từ quan điểm của người bán bằng cách đo lường mức giá mà các công ty phải trả cho các nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất hàng hóa. PPI rất hữu ích, bởi vì lạm phát thường bắt đầu từ chuỗi cung ứng khi chi phí của các bộ phận cấu thành tăng lên. Các nhà sản xuất sau đó sẽ tính phí nhiều hơn cho thành phẩm của họ. 

Nhiều người có thể nghĩ rằng tất cả lạm phát đều xấu, tuy nhiên các nhà kinh tế cho rằng một số lạm phát được kiểm soát vẫn tốt cho một nền kinh tế. Lạm phát khuyến khích chi tiêu, bởi vì khi đồng mất giá, nó tạo ra động lực không khuyến khích tiết kiệm những đồng tiền đó. Lạm phát cho các doanh nghiệp niềm tin để tuyển thêm nhân công. Lạm phát chỉ trở nên nguy hiểm khi nó không được kiểm soát và làm tăng giá cả nhanh chóng đến mức khiến mọi hoạt động kinh tế phải ngừng trệ. 

Nền kinh tế không nhất thiết phải trải qua lạm phát hàng năm. Ngược lại với lạm phát là giảm phát, tức là khi giá cả đi xuống và tỷ lệ lạm phát hạ xuống dưới mức 0%. Trong khi bạn có thể nghĩ giá thấp hơn sẽ có lợi hơn, giảm phát thường không phải là điều đáng hoan nghênh. Nó là chỉ báo cho thấy điều kiện kinh tế đang xấu đi, thường dẫn đến mức sản xuất thấp hơn và cuối cùng là tỷ lệ thất nghiệp cao.

Lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất?

Lạm phát là một khái niệm quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ vì nó ảnh hưởng đến lãi suất và chi phí vay. Trọng tâm của mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất là lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa. Lãi suất danh nghĩa là lãi suất được quảng cáo bởi ngân hàng. Chẳng hạn, chúng là tiền lãi được tích lũy từ khoản tiết kiệm trong tài khoản của bạn. Lãi suất thực là lãi suất danh nghĩa được điều chỉnh theo lạm phát. 

Trong một kịch bản kinh tế có lạm phát 3% và bạn có một khoản vay có lãi suất thay đổi với mức 10% được điều chỉnh theo lạm phát, lãi suất thực tế bạn sẽ trả là 13%. Nói cách khác, lạm phát có thể khiến bạn tốn nhiều tiền hơn. 

Ngoài ra, lạm phát có thể ảnh hưởng đến quỹ của Chính phủ, là cơ sở cho các khoản vay trên toàn quốc. 

Làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp trước lạm phát?

Lạm phát là một tác động từ thị trường mà bạn không thể kiểm soát, vì vậy mỗi doanh nghiệp cần có cả chiến lược chủ động và kế hoạch phản ứng với lạm phát. Tất cả điều này bắt đầu bằng việc cập nhật thông tin: Nếu lãi suất cho vay thấp, đây là thời điểm tốt để vay. Nếu lãi suất cao, có thể tốt hơn là đợi đến khi nó giảm xuống. 

Nếu lạm phát sắp xảy ra và các chuyên gia dự đoán giá hàng hóa sẽ tăng, bạn có thể thực hiện một số chiến lược để bảo vệ doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, mục tiêu chính phải là giải phóng càng nhiều vốn càng tốt trong điều kiện giá cả ngày càng tăng. 

  • Giảm nợ: Bạn sẽ cần nhiều tiền mặt hơn để đối phó với chi phí lạm phát gia tăng. Nếu có thể hợp nhất nợ hoặc thanh toán cho các chủ nợ trước khi lạm phát tăng đột biến, bạn có thể vẫn linh hoạt về mặt tài chính. 
  • Tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh: Hợp nhất các phòng ban, xem xét lại các quy trình kinh doanh, điều chỉnh kỳ vọng và cố gắng hết sức để duy trì sự tinh gọn. 
  • Suy xét về các nhà cung cấp: Cân nhắc xem doanh nghiệp đang làm việc với những bên cung ứng nào và nỗ lực cắt giảm chi phí nếu có thể. 

Hãy luôn đặt mình vào thế chủ động để sẵn sàng đối phó với bất kỳ tác động khách quan nào như lạm phát nhé! 

(Nguồn: Business News Daily)

Hiểu về chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp là điều quan trọng để theo dõi đúng các chi phí kinh doanh. Khi bạn biết chi phí thực sự liên quan đến việc sản xuất và cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho người tiêu dùng, bạn có thể định giá cạnh tranh và chính xác. 

Chi phí trực tiếp là gì?

Chi phí trực tiếp là chi phí gắn liền với một “đối tượng chi phí” cụ thể, có thể là một sản phẩm, bộ phận hoặc dự án. Nó bao gồm tổng chi phí nguyên liệu và chi phí lao động cần thiết để tạo ra sản phẩm.

Ví dụ, nếu có một nhân viên được thuê và làm việc trong một dự án hoặc trong một số giờ nhất định, thì chi phí lao động của họ trong dự án đó là chi phí trực tiếp. Nếu công ty bạn phát triển phần mềm và cần các tài sản phục vụ việc đó, chẳng hạn như các ứng dụng phát triển, thì đó là chi phí trực tiếp.

Chi phí trực tiếp phần lớn là nhân công và nguyên vật liệu trực tiếp. Chẳng hạn, để tạo ra sản phẩm, một nhà sản xuất thiết bị cần có thép, linh kiện điện tử và các nguyên liệu thô khác, cùng với chi phí phải trả cho nhân công. 

Có 2 cách phổ biến để theo dõi chi phí này, tùy vào thời điểm công ty sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất, bao gồm nhập sau – xuất trước (LIFO) hoặc nhập trước – xuất trước (FIFO) . Điều này cực kỳ có ích trong trường hợp chi phí nguyên vật liệu của doanh nghiệp bạn dao động trong quá trình sản xuất.

Hầu hết các chi phí trực tiếp không cố định. Chẳng hạn phần cứng điện thoại thông minh là chi phí trực tiếp, và sẽ thay đổi vì việc sản xuất nó phụ thuộc vào số lượng đơn vị được đặt hàng. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ như chi phí nhân công trực tiếp, thường không thay đổi trong cả năm. Thông thường, tiền lương của một nhân viên không tăng hoặc giảm liên quan trực tiếp đến số lượng sản phẩm được sản xuất.

Chi phí gián tiếp là gì?

Chi phí gián tiếp là khoản vượt ra ngoài chi phí bạn phải chịu để tạo nên một sản phẩm, bao gồm các chi phí liên quan đến việc duy trì và điều hành một công ty. Chi phí này là những khoản chi còn lại sau khi tính toán các  khoản chi phí trực tiếp.

Nguyên liệu và vật tư hay thiết bị cho hoạt động hàng ngày của công ty là các chi phí gián tiếp nổi bật. Mặc dù những hạng mục này đóng góp cho toàn bộ công ty, nhưng chúng không được chỉ định cho việc tạo ra bất kỳ một dịch vụ nào.

Chi phí gián tiếp bao gồm vật tư, điện nước, tiền thuê thiết bị văn phòng, máy tính để bàn và điện thoại. Giống như chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp cũng có thể thay đổi hoặc cố định. Chi phí gián tiếp cố định bao gồm những thứ như tiền thuê văn phòng. Chi phí gián tiếp biến đổi bao gồm điện, ga…

Phân biệt chi phí trực tiếp và gián tiếp

Để phân loại các khoản thanh toán là chi phí trực tiếp hay gián tiếp, bạn cần nhớ một mẹo đơn giản như sau. Chi phí trực tiếp bao gồm các chi phí liên quan đến việc tạo ra, phát triển và phát hành một sản phẩm.

Chi phí trực tiếp bao gồm:

  • Vật tư sản xuất
  • Thiết bị, dụng cụ
  • Nguyên liệu thô
  • Chi phí nhân công
  • Chi phí sản xuất khác

Ngược lại, chi phí gián tiếp là các chi phí không có liên quan trực tiếp đến phát triển sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.

Chi phí gián tiếp bao gồm:

  • Tiện ích
  • Văn phòng phẩm
  • Công nghệ văn phòng
  • Chiến dịch quảng cáo
  • Dịch vụ kế toán và tính lương
  • Các chương trình phúc lợi, hoạt động đặc quyền cho nhân viên
  • Chi phí bảo hiểm

Là chủ doanh nghiệp, biết sự khác biệt giữa cả hai loại chi phí là rất quan trọng. Một là nó giúp bạn hiểu rõ hơn về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, từ đó có thể dẫn đến việc định giá cạnh tranh hơn. Hai là bạn sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan đến kế toán và có thể lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai của doanh nghiệp. 

Một lợi ích khác không kém phần quan trọng liên quan đến việc nộp thuế. Một số chi phí trực tiếp và gián tiếp được khấu trừ thuế. Ví dụ như chi phí trực tiếp được khấu trừ thuế sẽ là sửa chữa thiết bị kinh doanh, dây chuyền sản xuất chẳng hạn. Các chi phí gián tiếp được khấu trừ thuế có thể bao gồm các tiền thuê văn phòng, tiện ích và các chi phí bảo hiểm nhất định.

Trong các trường hợp được tài trợ bởi Chính phủ hoặc các hình thức tài trợ bên ngoài khác, việc xác định chi phí trực tiếp và gián tiếp trở nên quan trọng gấp nhiều lần. Các quy tắc tài trợ thường yêu cầu phân loại nghiêm ngặt chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đó phân bổ tài trợ cụ thể cho mỗi loại.

Thông thường, nhà tài trợ cho một dự án cụ thể thường hỗ trợ phần lớn cho chi phí trực tiếp. Một số cơ quan chính phủ có thể cho bạn cơ hội để giải thích lý do tại sao nên tài trợ các chi phí gián tiếp, nhưng quyết định cấp vốn hoàn toàn thuộc về họ.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Hy vọng bạn đã nắm được tầm quan trọng của việc phân loại hai chi phí này và áp dụng hiệu quả vào doanh nghiệp. 

(Nguồn: Business News Daily)

TIN TỨC MỖI NGÀY

Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong năm 2022.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng kinh tế thế giới đang bắt đầu suy thoái rõ rệt sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong 2022 và 3,2% vào 2023.

Trong bối cảnh các biến thể Covid-19 mới ngày càng phức tạp, cũng như lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập gia tăng, đây không phải là điều khó hình dung. “Các yếu tố trên có thể cản trở khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển”, World Bank cho biết.

Biến thể Omicron đe dọa sản xuất toàn cầu

Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch Covid-19 nhiều khả năng tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong năm tới. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chịu ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, trong khi những “ông lớn” này cũng đang giảm tốc đáng kể. 

Cụ thể, rủi ro gây ra bởi biến thể Omicron buộc Trung Quốc phải siết chặt chống dịch, đặc biệt là khi Thế vận hội mùa đông dự kiến sắp diễn ra vào ngày 4/2. Với vai trò vô cùng quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc nhiều thương hiệu lớn ở mọi lĩnh vực đang gặp khó khăn trong sản xuất. 

Toyota, Samsung, Volkswagen nằm trong nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng sản lượng khi Covid-19 tái bùng phát ở quốc gia tỷ dân, khiến nhiều công ty sản xuất lớn đóng cửa, các bến cảng bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu nhân công ngày càng trở nên trầm trọng. 

Theo một nghiên cứu của Russell Group, việc một giao dịch thiết yếu bị trì hoãn tại cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thương mại với quy mô đến 4 tỷ USD. Trong khi đó, vào tháng 8 năm ngoái, một bến container tại cảng Ninh Ba buộc phải đóng cửa trong 2 tuần sau khi phát hiện một ca dương tính có liên quan. 

Từ khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng và nhà bán lẻ phương Tây càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm, từ máy tính xách tay cho đến xe đạp. Do đó, trong những tháng tới, sự càn quét của biến thể Omicron tại Trung Quốc có thể là nỗi ác mộng lớn nhất đối với sản xuất toàn cầu. 

Một số nhà kinh tế cho hay Trung Quốc có thể siết chặt chính sách chống dịch và phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 4/2020. Chiến dịch chống Covid-19 thành công sẽ đi kèm sự ngưng trệ đối với sản xuất và chuỗi cung ứng. 

Nguy cơ nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra nguy cơ nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

WB dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ khôi phục sản xuất hoàn toàn vào năm 2023. Trong khi đó, sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với tiền đại dịch. Khoảng cách thậm chí còn lớn hơn đối với nhiều nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Tình trạng lạm phát tăng kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người lao động thu nhập thấp, đang gây cản trở đối với chính sách tiền tệ. Lạm phát trên thế giới nói chung và lạm phát ở các nước phát triển nói riêng đang ở mức cao nhất kể từ 2008, trong khi các thị trường mới nổi và đang phát triển cũng chứng kiến mức lạm phát cao nhất kể từ năm 2011. Do vậy, dù nền kinh tế còn lâu mới có thể phục hồi, nhiều nước trong nhóm đang phát triển đang rút lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát.

Giám đốc Chương trình Báo cáo triển vọng của World Bank, ông Ayhan Kose lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cần phải sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng. 

Chừng nào các quốc gia chưa thực hiện cải cách để giải quyết hậu quả của đại dịch, chừng đó kinh tế còn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Những vấn đề cần chú ý để cải thiện bao gồm biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới và khoảng cách thu nhập. 

Bà Mari Pangestu, Tổng giám đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của World Bank khẳng định, những quyết sách của các nhà hoạch định trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình phát triển 10 năm tiếp theo.

Ưu tiên trước mắt là đảm bảo triển khai vaccine rộng rãi hơn, công bằng hơn để kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, những bước thụt lùi trong tiến trình phát triển như gia tăng tình trạng bất bình đẳng thì sẽ cần kế hoạch dài hơi hơn để xử lý. 

Trong giai đoạn đặc biệt khi tỷ lệ nợ tăng cao này, hợp tác toàn cầu sẽ là bước cần thiết để củng cố nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm phát triển xanh và bền vững.

Nguồn: World Bank

MacKenzie Scott làm từ thiện với tốc độ kỷ lục trong năm qua, khiến số cổ phiếu Amazon mà bà nắm giữ giảm 2,5 triệu đơn vị. 

Con số này tương đương 8,5 tỷ USD theo giá trung bình của cổ phiếu Amazon giữa hai lần công bố gần nhất của vợ cũ Jeff Bezos. Theo giá hiện tại, chúng tương đương 7,3 tỷ USD.

Hiện Scott vẫn nắm giữ trong tay 14,9 triệu cổ phiếu Amazon. Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, bà sở hữu số tài sản tương đương 48,3 tỷ USD. Con số nhẽ ra còn cao hơn nhiều nếu bà không quyên góp hơn 8,6 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện trên khắp nước Mỹ kể từ cuộc ly hôn ồn ào với Jeff Bezos năm 2019.

Cam kết cho đi phần lớn tài sản

“Tôi có quá nhiều tiền và cần chia sẻ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này cho đến khi két sắt chẳng còn lại gì”, bà chia sẻ khi ký “Cam kết cho đi” (The Giving Pledge) vào tháng 5/2019, ngay sau khi tuyên bố ly hôn với người chồng tỷ phú, với lời hứa sẽ trao ít nhất một nửa tài sản cho các hoạt động thiện nguyện. 

Quyết định này dựa trên việc Scott cho rằng sự giàu có này không hoàn toàn thuộc về bà, mà nó là kết quả của hệ thống tài chính. Bà thực sự nghĩ mình cần trả lại cho những người nên sở hữu số tiền đó thay vì một mình hưởng lợi. 

Trong khi đó, chồng cũ của bà, người đàn ông giàu thứ hai thế giới đã bị chỉ trích vì không trao phần lớn tài sản khổng lồ của mình cho các tổ chức từ thiện và không ký vào “Cam kết cho đi” như rất nhiều tỷ phú khác. 

Mô hình quyên góp của Scott là quyên góp trực tiếp không ràng buộc cho các tổ chức do đội ngũ cố vấn lựa chọn, điều khiến bà trở nên nổi bật trong thế giới của các tỷ phú từ thiện. 

Danh sách dài các tổ chức được bà Scott quyên góp bao gồm các trường học và tổ chức dành cho nghệ thuật, trao quyền cho phụ nữ, chống phân biệt đối xử và chống đói nghèo toàn cầu. 

Bài học từ cách tiếp cận của MacKenzie Scott với hoạt động từ thiện

Dưới đây là những điểm nổi bật từ phong cách từ thiện của Scott mà chúng ta có thể học hỏi. 

Sử dụng nhóm cố vấn

Scott đã sử dụng một nhóm cố vấn tìm kiếm thông tin từ hàng trăm đối tác, bao gồm các chuyên gia về lĩnh vực cụ thể, các nhà lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện viên và nhiều nhà tài trợ khác. Từ nhiều quan điểm và kiến thức của cả tập thể, bà có lý do vững chắc để đưa ra các quyết định của mình. 

Sử dụng dữ liệu

Ngoài nhóm cố vấn, Scott thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định các tổ chức có đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ. Bà đặc biệt chú ý đến những người hoạt động trong các cộng đồng đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, bất bình đẳng chủng tộc và tỷ lệ nghèo ở địa phương cao. Dữ liệu phong phú đã giúp xác định được nhóm tổ chức nhận từ thiện tiềm năng từ 6.460 giảm xuống còn 384.

Tin tưởng người nhận

Nếu các tổ chức được điều hành bởi các chuyên gia có năng lực và đang hoạt động tốt, hãy tin tưởng rằng họ biết cách sử dụng nguồn lực bổ sung một cách hợp lý. Loại bỏ các quy trình phức tạp, những báo cáo không cần thiết và chuỗi thủ tục đính kèm gây thêm gánh nặng cho các tổ chức vốn đã gặp rất nhiều rào cản. 

Làm từ thiện là động lực thúc đẩy thay đổi xã hội

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết những thách thức về phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng trong khả năng cho phép, nhưng đã có những tiến bộ đáng kể. Các tổ chức hỗ trợ do những người thuộc các cộng đồng chủng tộc và dân tộc thiểu số, người khuyết tật hoặc người nghèo lãnh đạo đã tăng 22%. Trong khi đó, 66% đã nới lỏng hoặc loại bỏ các hạn chế đối với các khoản trợ cấp hiện có, 64% đã giảm những gì được yêu cầu đối với những người được cấp và 57% hiện đang thực hiện các khoản trợ cấp mới ít hạn chế nhất có thể kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong một bản cập nhật giữa năm ngoái, Scott báo cáo rằng trong số 116 tổ chức tiếp nhận mà cô đã chọn vào tháng 7, 91% tổ chức bình đẳng chủng tộc do người da màu điều hành, 100% tổ chức bình đẳng LGBTQ do các nhà lãnh đạo LGBTQ điều hành và 83% các tổ chức bình đẳng giới do phụ nữ điều hành.

Thời gian đầu, Scott thường xuyên công bố những lá thư công khai thông báo về những đóng góp của mình trong vòng 6 tháng, giải thích lý do tại sao bà chọn quyên góp cho một số tổ chức nhất định. Tuy nhiên, gần đây bà quyết định không chia sẻ thông tin quá nhiều như trước.

Lý giải cho điều này, Scott nói rằng không muốn truyền thông tập trung vào các khoản quyên góp lớn của những người rất giàu có, mà chú ý nhiều hơn đến các hành động nhỏ diễn ra hàng ngày, dễ “lây lan” từ người này sang người khác.

“Trao đi nhiều tiền hay ít tiền không phải cốt lõi của việc từ thiện. […] Tôi hy vọng mọi chú ý sẽ đổ dồn vào điểm chung giữa tôi với những người từng hành động với ý muốn giúp đỡ ai đó”, bà chia sẻ trong một bài viết trên blog. 

Tập toàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu công bố mức lỗ đáng chú ý trong công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2021 là 7.500 tỷ đồng., hé lộ bức tranh tình hình tài chính của Vingroup (mã chứng khoán VIC) sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. 

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý 4/2021 Vingroup đạt được là hơn 34.400 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Lỗ sau thuế của quý cuối năm là 9.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 1.700 tỷ đồng. 

“Chốt sổ” năm 2021, Vingroup đạt doanh thu thuần hơn 125.300 tỉ đồng, tăng 13%. Song lỗ sau thuế hơn 7.500 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 4.500 tỉ đồng.

Lý giải cho mức lỗ 7.500 tỷ đồng một năm, tập đoàn cho biết nguyên nhân chủ yếu là cho Vinfast ngừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện, dẫn đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản chi trả cho nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Ngoài chiến lược thay đổi của Vinfast, các hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Vingroup đều ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài. Doanh thu Vincom Retail cũng giảm do mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên đến hơn 2.100 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, khi dịch diễn biến ngày càng phức tạp, tập đoàn Vingroup chi gần 6.100 tỷ đồng để tài trợ cho công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là lý do doanh thu sụt giảm. 

“Nếu không tính các khoản chi ngoài kế hoạch, Vingroup lãi trong năm 2021 và gần hoàn thành kế hoạch đề ra”, đại diện tập đoàn thông tin. 

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vingroup có thể đạt hơn 4.300 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương hoàn thành 97% kế hoạch. 

Khép lại năm tài chính 2021, Vingroup đạt tổng tài sản hơn 427.300 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 159.100 tỉ đồng, tăng lần lượt 1% và 17% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả hơn 268.100 tỉ đồng, giảm hơn 6% so với đầu kỳ.

Xác định nhóm hoạt động trọng tâm

Thiện nguyện xã hội là một trong ba nhóm hoạt động trọng tâm mà Vingroup vừa xác định lại, bên cạnh công nghệ – công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Đối với hoạt động công nghệ – công nghiệp, năm qua hãng xe VinFast đã bàn giao 35.700 xe cho khách hàng. Riêng thị trường quốc tế, hãng xe cũng giới thiệu dải sản phẩm hoàn thiện cùng 5 mẫu SUV điện mới phủ khắp phân hạng từ A đến E.

Trong tháng 12, VinFast cũng khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) với công suất giai đoạn 1 đạt 100.000 pack pin mỗi năm, đảm bảo nguồn cung pin Lithium cho các dòng xe điện và xe buýt điện.

Trọng tâm thứ hai là hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó Vingroup dự kiến đẩy mạnh phát triển xanh và chuyển đổi số ở lĩnh vực bất động sản.

 Nhờ hoạt động bán hàng cải thiện mạnh trong quý 4 kèm bàn giao đúng tiến độ, Vinhomes đạt mức lãi ròng sau thuế hơn 39.000 tỉ đồng. 

Đối với lĩnh vực bất động sản bán lẻ (Vincom Retail), nếu không hỗ trợ khách thuê như trên thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn vượt kế hoạch. 

Mảng khách sạn nghỉ dưỡng tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt giãn cách xã hội cùng với việc đóng cửa các đường bay quốc tế. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của Vinpearl trong năm 2022 dự kiến sẽ cải thiện khi tỷỉ lệ tiêm vắc xin tăng cao và đường bay quốc tế dự kiến mở lại.  

Ở trọng tâm cuối cùng là thiện nguyện xã hội, Vingroup đã giảm đóng góp cho Quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%, phần còn lại được tỷ phú Phạm Nhật Vượng, gia đình cùng với các lãnh đạo cao cấp tại tập đoàn chủ động đóng góp.

Vingroup hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ nhì sàn chứng khoán với hơn 354.000 tỷ đồng. Vinhomes (VHM) đứng thứ ba với hơn 349.600 tỉ đồng. Riêng Vietcombank (VCB) tạm thời dẫn đầu top 3 với hơn 421.100 tỉ đồng.

Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ Online

Bài viết mới nhất

mua ngay - Playing cards

BUSINESS
OWNERS