CÂU CHUYỆN
KHỞI NGHIỆP

Câu Chuyện Khởi Nghiệp

Sean Rad (1986) đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò Tinder vào năm 2012. Mười năm sau, Tinder đã có hàng chục triệu người dùng tích cực trên khắp thế giới và được định giá đến chục tỷ USD. 

Ý tưởng đã đến với chàng trai này ở độ tuổi 25-26 như thế nào? Cùng theo dõi câu chuyện thú vị này nhé. 

Đối với những người mới bắt đầu, Tinder giống như trò chơi “hot or not” (hấp dẫn hay không) dành cho hội độc thân. Luật chơi vô cùng đơn giản. Người dùng sẽ vuốt qua ảnh của những người độc thân khác trong khu vực của mình. Nếu thấy hồ sơ của một ai đó “hot”, họ vuốt sang phải; còn nếu không, chỉ việc vuốt sang trái. Nếu hai người cùng vuốt sang phải ảnh của nhau, họ sẽ trở thành một cặp và sau đó có thể nhắn tin cho nhau. Tính đến thời điểm sau 5 năm ra mắt, đã có 20 tỷ sự kết hợp trên Tinder theo cách này. 

Ứng dụng hẹn hò hàng đầu thế giới ra đời như thế nào?

Theo cuộc trò chuyện cùng Business Insider trên một podcast năm 2017, Rad chia sẻ mình là người luôn tò mò với mọi thứ ngay từ khi còn nhỏ. Khi nhìn thấy một thứ gì đó có thể trở nên tốt hơn, anh cảm thấy bứt rứt và bị thôi thúc bởi việc phải làm gì đó. 

“Tôi luôn quan tâm đến việc giải quyết vấn đề và xây dựng mọi thứ. Tôi đã không bắt đầu hành trình này với câu nói “Tôi muốn khởi nghiệp” hay “Tôi muốn trở thành một doanh nhân”. Tôi chỉ muốn giải quyết các vấn đề, và mong muốn đó đã dẫn tới các hành động tiếp theo”.

Năm nhất đại học, Rad thành lập công ty đầu tiên với tên gọi Orgoo. Vấn đề mà anh nhìn thấy khi đó là mỗi người phải sử dụng nhiều email và tài khoản khác nhau để kết nối với mọi người. Anh có email công việc (vì lúc đó đang đi làm), email trường đại học, email trường trung học, gmail và tài khoản trên các ứng dụng nhắn tin khác nhau. Thời đó điện thoại chưa tiện dụng bằng bây giờ, nên Rad vô cùng khó chịu với việc phải chuyển màn hình liên tục.

Chàng sinh viên khi đó chỉ đơn giản muốn tìm cách kết hợp các tài khoản lại với nhau, và Orgoo tồn tại để xử lý nhu cầu đó. Đó là một thách thức kỹ thuật rất lớn đối với một người chưa bao giờ làm bất cứ việc gì liên quan đến kỹ thuật, nhưng Rad đã làm được vì biết chắc sẽ có cách thuận lợi hơn trong giao tiếp online. 

Orgoo ra mắt vào năm 2004 và có đến hơn 1 triệu lượt đăng ký trong 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, do vướng phải vấn đề về IP với một công ty khác, startup này buộc phải đóng cửa. 

Sau thất bại với Orgoo, Rad tham gia Hatch Labs, một vườn ươm khởi nghiệp, nơi anh có thể thử nghiệm những ý tưởng mới lạ và theo dõi hiệu quả của chúng. Tinder đã ra đời tại đó với tên gọi ban đầu là Matchbox. 

Ý tưởng này xuất hiện bởi vì Rad vốn là một thanh niên trẻ nhút nhát luôn thấy khó khăn khi gặp gỡ ai đó và giới thiệu về bản thân. 

“Một lần nọ, tôi đang ngồi trong quán cà phê và có một cô gái đi ngang qua. Tôi nhìn cô ấy, cô ấy nhìn lại, rồi tôi chợt nghĩ: “Ồ, nàng bắt gặp mày nhìn nàng rồi”. 

Lúc đầu tôi rất lo lắng, nhưng sau đó cô ấy mỉm cười và dường như ra tín hiệu rằng muốn trò chuyện với tôi. Khi đó sự lo lắng của tôi mới dịu xuống. Sau này tôi bắt đầu nghĩ về điều đó và phân tích kỹ, rằng nếu bạn có thể loại bỏ câu hỏi liệu ai đó có muốn gặp gỡ mình hay không, thì bạn sẽ loại bỏ đáng kể những rào cản trong việc kết nối với người khác. Và đó chính là khởi nguồn ý tưởng của Tinder”. 

Tăng trưởng vượt bậc nhờ marketing truyền miệng

Rad biết rằng Tinder sẽ làm nên chuyện bởi lượng tương tác “khủng” ngay từ lúc bắt đầu. Justin Mateen, người đồng sáng lập Tinder khi đó đã tìm cách quảng bá ứng dụng bằng cách lấy điện thoại của tất cả mọi người và gửi thư giới thiệu.

“Chúng tôi đã nhắn tin cho 500 người. Ngay lập tức, 80% trong số đó đăng ký ứng dụng. Qua hôm sau, nó tiếp tục tăng trưởng thêm 50%. Các chỉ số và mức độ tương tác đều gây sốc”, Rad kể lại. 

Nhưng mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi những người đăng ký đầu tiên, chủ yếu là bạn bè của nhóm Rad kể lại trải nghiệm hẹn hò của họ qua ứng dụng. Có những người vốn biết nhau nhưng chưa bao giờ bộc lộ bất kỳ sự quan tâm nào đã kết nối với nhau một cách dễ dàng hơn nhờ Tinder. Đó là dấu hiệu cho thấy điều này có thể tác động rất lớn đến xã hội. 

Những thanh niên trẻ sáng lập nên ứng dụng xác định sinh viên đại học là đối tượng tiềm năng và có thể đưa ra những phê bình rất gay gắt cho ứng dụng. Họ quyết tâm chinh phục đối tượng này bằng cách lái xe đi tìm các hội nam sinh và nữ sinh ở khắp Los Angeles, rồi San Diego và quận Cam – mọi trường học mà họ có thể đến. Mỗi lần gặp gỡ một hội nhóm nào đó và nói về Tinder, đêm hôm đó họ sẽ có thêm khoảng 100 lượt đăng ký mới. 

Mọi đăng ký ban đầu đều có ý nghĩa vô cùng lớn. Do đó, họ thậm chí quảng bá Tinder với những người xa lạ trên phố. Họ đi vào quán cà phê và giả vờ trò chuyện với nhau “Có nghe nói về ứng dụng Tinder bao giờ chưa? Thấy bảo hay lắm”. Bất cứ việc gì có thể làm để truyền đạt thông tin, họ đều không ngần ngại bắt tay làm. 

Đầu tháng 1, Tinder có 20.000 người dùng, đến cuối tháng đã lên đến 500.000. Ngay trong năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, đường cong tăng trưởng cứ thế vượt ngoài sức tưởng tượng của Rad, dù khởi đầu của họ chẳng lấy gì làm phức tạp. 

Cho đến 10 năm sau, khi những con số đã đạt ngưỡng đáng mơ ước với hầu hết doanh nhân trẻ khởi nghiệp, Rad đã phải trải qua rất nhiều bài học lớn trên thương trường, bao gồm cả những vụ kiện tụng ồn ào. Tuy vẫn đang học cách vận hành và duy trì công ty trên thị trường ngày càng cạnh tranh, Rad và câu chuyện khởi nghiệp của anh vẫn là nguồn cảm hứng của đông đảo người trẻ. Thành công không nhất thiết phải đến từ những gì đao to búa lớn, đôi khi những ý tưởng đơn giản có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn. 

 

Dù huy động được mức vốn hàng triệu, hàng tỷ USD, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn phải tuyên bố dừng hoạt động trong bối cảnh khó khăn của thị trường thế giới. 

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi toàn bộ cách thế giới vận hành. Trong khi một số doanh nghiệp tìm thấy ánh sáng để xoay chuyển tình thế theo cách tốt đẹp hơn, không ít doanh nghiệp đã không thể trụ vững trước cơn sóng dữ dội này. Đối với các công ty khởi nghiệp, không khó để hình dung những khó khăn họ phải gồng gánh giữa thời Covid, dẫn đến những cú “ngã ngựa” không mong muốn dù tiềm năng phát triển vô cùng lớn. 

Dưới đây là một số thương vụ thất bại nổi tiếng trong năm 2021 mà TechCrunch đã điểm lại. 

Chanje (2015-2021)

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, được biết đến với hoạt động nhập khẩu xe tải điện từ Trung Quốc và cung cấp cho các công ty lớn như FedEx, Ryder, Amazon… Tháng 11/2018, Chanje làm việc với FedEx và chốt được đơn hàng 1.000 xe giao hàng điện, giúp FedEx đẩy mạnh điện hóa đội xe giao hàng của mình. Đây là một cột mốc lớn với công ty khởi nghiệp mới hoạt động được 3 năm và mở ra rất nhiều cơ hội tiềm năng khác. 

Tuy nhiên, năm 2021, Chanje bất ngờ tuyên bố phá sản, kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ  đến FedEx và nhiều khách hàng khác. Nguyên nhân là Chanje đã hợp tác với một công ty Trung Quốc vừa rơi vào tình trạng phá sản. CEO Bryan Hansel của Chanje đã thuyết phục các nhà đầu tư mua lại công ty Trung Quốc này để cứu vãn tình thế, nhưng nỗ lực này đã thất bại. 

Công ty đã bị kiện bởi ít nhất 4 nhân viên do vấn đề nợ lương. Ryder đòi bồi thường 3 triệu USD khi không nhận được xe đã đặt hàng. Trong khi đó,  FedEx cũng chưa bao giờ nhận được chiếc xe tải điện nào trong thương vụ năm 2018. Điều này dẫn đến việc gã khổng lồ giao hàng buộc phải từ bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tính phí tại các kho hàng FedEx trên khắp bang California. Dù FedEx cũng đang khởi kiện Chanje với nỗ lực đòi lại vài triệu USD họ đã bỏ ra cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng này, tương lai của vụ kiện có vẻ khá ảm đạm.

Dark Sky (2012-2021)

Dark Sky – ứng dụng dự báo thời tiết trên điện thoại đã được Apple mua lại vào tháng 3/2020 nhờ độ chính xác và khả năng dự báo cấp tốc thời tiết địa phương. Rõ ràng các tính năng nổi bật của Dark Sky đã thu hút sự quan tâm của gã khổng lồ công nghệ và nhiều tính năng trong số đó đã được tích hợp vào ứng dụng thời tiết của iPhone. Apple ban đầu tuyên bố ứng dụng Dark Sky trên hệ điều hành Android sẽ ngừng hoạt động ngay trong tháng 7 cùng năm, tuy nhiên số phận của ứng dụng iOS và dịch vụ API vẫn mờ nhạt (Dịch vụ API cho phép các nhà phát triển khác khai thác cơ sở dữ liệu của Dark Sky). 

Đến tháng 6/2021, ứng dụng iOS và dịch vụ API chính thức có ngày hết hạn. Adam Grossman, nhà đồng sáng lập của Dark Sky thông tin: “Dịch vụ API Dark Sky cho khách hàng hiện tại sẽ tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 2022. Ứng dụng iOS và trang web Dark Sky cũng sẽ khả dụng đến cuối năm 2022”. Đây không phải thông báo ngừng hoạt động rõ ràng, nhưng nó đã ngụ ý về “ngày tàn” của Dark Sky. 

Katerra (2015-2021)

Công ty khởi nghiệp này đã một thời là “con cưng” của giới công nghệ xây dựng. Katerra từng tham vọng sở hữu hàng loạt công nghệ xung quanh các dự án xây dựng, bao gồm cả cao ốc văn phòng hay các tòa dân cư. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, những dấu hiệu nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện. Công ty khởi nghiệp này được cho là đang trên bờ vực nộp đơn xin phá sản dù tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank đã đưa ra khoản cứu trợ 200 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền này quá ít ỏi và đến quá muộn với tình thế của Katerra. Cách tiếp cận tích hợp theo chiều dọc của Katerra không thể theo kịp chi phí lao động và vật liệu xây dựng ngày một tăng, do đó chi phí của một số dự án đã vượt mức ngân sách, trong khi nhiều dự án khác ngưng trệ do đại dịch. 

Ngày 1/6/2021, Kattera thông báo chính thức đóng cửa sau khi đốt cháy hơn 2 tỷ USD được tài trợ. Công ty khởi nghiệp này đã có lúc được định giá 4 tỷ USD và xây dựng được đội ngũ hơn 8.000 nhân viên. Ở thời điểm tuyên bố đóng cửa, công ty được cho là có tổng cộng 2.400 nhân viên. 

Đây là thất bại nổi tiếng thứ hai của tập đoàn đầu tư SoftBank, sau Wework, đồng thời cũng dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng niềm tin dành cho ngành công nghệ xây dựng nói chung. 

Houseparty (2015-2021)

Trước khi “chìm xuồng”, Houseparty đã có thời điểm phát triển rực rỡ. Trong những giai đoạn đầu của đại dịch, ứng dụng trò chuyện qua video nhóm này tuyên bố đạt được 50 triệu lượt đăng ký mới mỗi tháng, khi con người có nhu cầu tìm kiếm các kết nối ảo trong bối cảnh cách ly. Tuy nhiên, đợt bùng nổ đó không đủ sức giúp Houseparty duy trì được độ nóng của mình. Tháng 9/2021, Epic Games đã thông báo đóng cửa Houseparty vào tháng 10, sau 2 năm mua lại công ty với mức giá 35 triệu USD.

Có nhiều lý do được suy luận liên quan đến sự thất bại của ứng dụng nổi tiếng một thời, bao gồm sự nổi lên của Clubhouse cho đến mức độ phủ sóng của Zoom. Tuy nhiên, trong thông báo ngừng hoạt động, giám đốc điều hành và nhà sáng lập Houseparty ám chỉ đó là sự thay đổi liên quan đến chiến lược. 

Houseparty sẽ tồn tại như một phần cốt lõi của tính năng voice chat trong Fortnite và trong các dự án khác của Epic Games. 

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng trong bối cảnh bình thường, chưa kể khi phải chịu những tác động khó lường từ đại dịch. Chúng ta cùng hy vọng một năm 2022 khởi sắc hơn đối với các doanh nghiệp, khi các doanh nhân và nhà đầu tư nắm bắt được tốt hơn xu thế phát triển của ngành kinh tế sau đại dịch.

Nguồn: TechCrunch

Một trong những tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 là khiến hầu hết trường học trên toàn thế giới phải đóng cửa, gây ảnh hưởng đến 1,2 tỷ trẻ em ở 186 quốc gia. Thị trường giáo dục trực tuyến trở nên sôi động hơn bao giờ hết, thu hút rất nhiều doanh nhân trên toàn thế giới tham gia vào lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, không phải tất cả tổ chức giáo dục đều nhân cơ hội này để tích cực thu lợi nhuận. Khan Academy (Học viện Khan), tổ chức được thành lập năm 2005 vẫn quyết tâm theo đuổi sứ mệnh cung cấp “một nền giáo dục miễn phí, đẳng cấp thế giới cho tất cả mọi người, dù ở bất kỳ đâu”.

Hành trình bắt đầu từ Youtube

Sau khi hoàn thành chương trình học tại MIT và sau đó là Harvard, Sal Khan (1976) bắt đầu làm công việc phân tích tài chính vào năm 2004. Trong thời gian này, ông hỗ trợ người em họ đang gặp khó khăn với môn Toán bằng cách dạy kèm từ xa. 

Khi nhiều người thân và họ hàng nghe đến việc dạy kèm miễn phí, họ cũng mở lời nhờ giúp đỡ. Nhu cầu của mọi người ngày càng cao, do đó một người bạn của Khan khuyên ông quay lại bài giảng của mình và đăng lên Youtube để mọi người có thể xem bất cứ lúc nào. 

Tuy có chút nghi ngại lúc ban đầu, Khan quyết định sẽ thử. Sử dụng một chiếc bảng đen kỹ thuật số, Khan hướng dẫn về những khái niệm Toán học cơ bản và quay thành những video ngắn khoảng 10 phút. Tin tức về bài giảng miễn phí trên Youtube lan nhanh và Khan nhận được ngày một nhiều bình luận tích cực cùng những lời cảm ơn chân thành. 

Vào năm 2009, khi đang làm việc cho một quỹ đầu cơ, Khan quyết định nghỉ việc và dồn tâm sức cho việc xây dựng Khan Academy – nền tảng công nghệ giáo dục trực tuyến miễn phí cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. 

Theo Forbes, đến năm 2012, các video của Khan Academy đã thu hút tổng cộng 200 triệu lượt xem. Trang web được sử dụng bởi 6 triệu học sinh mỗi tháng và tài liệu miễn phí của học viện trở thành một phần (chính thức hoặc không chính thức) của chương trình giảng dạy trong 20.000 lớp học trên khắp thế giới. 

Đến năm 2019, nền tảng của Khan Academy chứa các bài tập thực hành, video hướng dẫn, công cụ giúp học sinh tự học theo tốc độ của riêng mình. Các môn học vô cùng đa dạng, từ toán học cơ bản đến vật lý, sinh học, kinh tế, lịch sử nghệ thuật, khoa học máy tính, sức khỏe và y học…

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Khan Academy:

– Khan Academy có hơn 13.000 video hướng dẫn ngắn, 429 khóa học, 4347 bài viết, hơn 74.000 bài toán với các câu đố tương tác và công cụ lập bản đồ tăng trưởng học tập cho học sinh. 

– Khan Academy có video bằng 43 ngôn ngữ. 

– 8,7 tỷ phút học tập đã được thực hiện trên nền tảng Khan Academy vào năm 2019. 

Sơ đồ tăng trưởng người dùng từ 2014-2019. Nguồn: Khan Academy

Theo CBS News, trước đại dịch, học sinh trên toàn cầu sử dụng trung bình 30 triệu phút mỗi ngày để học tập trên nền tảng Khan Academy. Con số này tăng gấp 3 lần lên khoảng 85 triệu phút mỗi ngày sau khi đại dịch bùng nổ.  

Khan Academy kiếm tiền bằng cách nào? 

Những người bạn của Sal Khan tại Thung lũng Silicon đã hỏi ông về mô hình kinh doanh và rất ngạc nhiên khi nghe Khan đáp rằng không có mô hình kinh doanh nào cả. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là Khan Academy đã kiếm tiền bằng cách nào và sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện sứ mệnh giáo dục miễn phí? Câu trả lời là thông qua hoạt động quyên góp. 

Khan Academy đã nhận được khoản tài trợ đáng kể đầu tiên trị giá 10.000 USD từ Ann Doerr, vợ của tỷ phú đầu tư mạo hiểm John Doerr, người về sau đã quyên góp 100.000 USD khi biết tổ chức Khan hoạt động phi lợi nhuận. Năm 2010, Bill Gates nói với một khán giả tại Aspen Ideas Festival rằng ông dùng nền tảng Khan Academy để dạy học cho con. Ngay sau đó, Sal Khan được hẹn đến gặp Gates, từ đó Quỹ Bill và Melinda Gates đã trở thành quỹ ủng hộ lớn nhất của Khan Academy.  

Tiếng lành đồn xa, các công ty như Google, NewSchools Venture Fund, CEO Netflix Reed Hastings và tỷ phú người Mexico Carlos Slim cũng tham gia đóng góp. Trong vòng hai năm hoạt động, thông qua các khoản quyên góp, Học viện Khan đã huy động được 16,5 triệu USD và con số chắc chắn không dừng lại ở đó. 

Năm 2014, Khan Academy đã thành lập một trường tư thục ngoại tuyến có tên Khan Lab School dành cho trẻ em từ 5-18 tuổi, với mục đích mang đến các phương pháp mới trong giáo dục. Một phần doanh thu được tạo ra từ trường này dưới hình thức học phí. 

Đến tháng 1 năm 2021, Elon Musk – ông trùm kinh doanh công nghệ và người giàu nhất thế giới đã quyên góp 5 triệu USD cho Khan Academy thông qua Quỹ Musk. 

Với sự thay đổi của giáo dục từ phương pháp giảng dạy truyền thống trên lớp học sang giáo dục kỹ thuật số do đại dịch, Khan Academy có thể tận dụng cơ hội này để thực hiện sứ mệnh giáo dục miễn phí của mình. 

Huy động được nguồn tài chính ấn tượng từ những nhân vật quan trọng trên thế giới, mô hình kinh doanh của Khan Academy có thể truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp để giúp giáo dục tiếp cận với tất cả mọi người một cách miễn phí hoặc với chi phí tối thiểu.

“Đừng làm công việc vì tiền và điều đó sẽ mang lại lợi nhuận cho bạn”. Đây có lẽ là bài học thú vị nhất mà chúng ta học được từ câu chuyện khởi nghiệp này.  

Có giới hạn độ tuổi dành cho doanh nhân không? Câu chuyện của “cha đẻ KFC” Harland Sanders sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất dành cho câu hỏi này.

Bạn có nằm trong số những người đang chật vật tìm kiếm thành công cho riêng mình, những người đã chán ngấy với nhiều thất bại liên tiếp hay vô cùng thất vọng vì kết quả kinh doanh? Hãy nghĩ đến người đàn ông là biểu tượng trong giới kinh doanh với hình ảnh quen thuộc: bộ râu và mái tóc màu trắng, gương mặt thân thiện đang nở nụ cười, chiếc nơ đen cổ điển trên cổ áo. Hình ảnh này đã trở thành logo của thương hiệu Kentucky Fried Chicken (KFC) do ông sáng lập ở độ tuổi lục tuần, sau cả nghìn lần vực dậy từ thất bại.

Khởi nghiệp về cơ bản là phát triển một thứ gì đó có giá trị từ con số 0, và miễn là bạn không từ bỏ quyết tâm của mình, quả ngọt sẽ chờ đợi bạn ở phía trước. Mọi doanh nhân trên thế giới đều có thể tìm được nguồn động lực to lớn từ câu chuyện về người đàn ông vĩ đại này.

Ngành công nghiệp thức ăn nhanh ngày nay phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, dù các công ty đa quốc gia như Pizza Hut và Burger King dần mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn cầu, KFC – một thương hiệu tồn tại đã hơn nửa thế kỷ dường như chưa bao giờ đánh mất thị phần lớn của riêng mình.

Hiện KFC là chuỗi nhà hàng lớn thứ hai thế giới xếp theo doanh thu (chỉ đứng sau McDonald’s) với hơn 22.000 nhà hàng tại 132 quốc gia.

Công thức khiến KFC trở nên nổi tiếng và được săn đón trên thị trường là món gà rán kết hợp 11 loại gia vị và thảo mộc làm nên “vị ngon trên từng ngón tay” (finger lickin’ good). Harland Sander đã nỗ lực đưa món gà rán này đến với ngày càng nhiều thực khách trên nước Mỹ ở độ tuổi mà đa số mọi người đều muốn sống chậm lại và nghỉ hưu.

1009 lần bị từ chối trước khi làm nên thương hiệu KFC

Để tóm tắt về người đàn ông đứng sau “đế chế” gà rán KFC, chúng ta có thể nói: Harland Sander đến tận năm 40 tuổi mới trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, đến năm 62 tuổi mới nhượng quyền thương hiệu và đến năm 75 tuổi mới thực sự trở thành một biểu tượng sau khi bán công ty của mình để thương hiệu gà rán phủ sóng mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới.

Harland Sander trải qua một cuộc đời khốn khó và đầy thăng trầm. Ông sinh ngày 9/9/1890 tại Henryville, bang Indiana. Cái chết bi thảm của người cha vào năm Sander 6 tuổi đã buộc ông phải gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc mẹ và anh chị em trong gia đình từ rất sớm. Vì mưu sinh, ông phải bỏ học từ năm 12 tuổi và tạm xa nhà đi làm nông trại ở cách đó 80 dặm. Không có nhiều điểm sáng trong suốt thời thơ ấu của Sander, ngoại trừ việc ông đã được mẹ truyền dạy những kỹ năng nấu nướng quan trọng và thực sự để tâm vào chúng mỗi khi nấu ăn.

Sander trải qua đủ loại công việc khác nhau để kiếm tiền, bao gồm làm đầu bếp và rửa bát thuê cho một quán cà phê nhỏ, nhân viên bảo hiểm, lao công đường sắt, thợ lắp ráp động cơ hơi nước cho các đoàn tàu khắp miền nam, bán lốp xe…

Cuối cùng, vào năm 1930, khi đang làm việc cố định tại một trạm xăng ven đường ở ngoại ô North Corbin, Sander tận dụng thời gian rảnh để nấu ăn và rao bán cho những vị khách dừng chân. Dần dần, ông mở được một nhà hàng nho nhỏ, nơi thực khách thường đến ăn tối và nghe ông kể những câu chuyện thú vị.

Lần đầu tiên giới thiệu món gà huyền thoại của mình, ông được đón nhận vô cùng nhiệt tình. Đến năm 1937, Sander mở rộng hoạt động kinh doanh với sức chứa lên đến 150 người cùng lúc. Bước đột phá xuất hiện vào năm 1939 khi ông phát hiện ra rằng việc chiên gà với “11 loại thảo mộc và gia vị đặc trưng” trong nồi áp suất (một thiết bị mới ở thời điểm đó và khác với loại được sử dụng ngày nay) sẽ dẫn đến độ nhất quán lý tưởng của thành phẩm.

Công việc kinh doanh sau đó thua lỗ vì nhiều lý do, khiến ông phải đóng cửa nhà hàng của mình. Tuy không duy trì được cơ sở kinh doanh, Sander hiểu rõ mình vẫn nắm trong tay “vũ khí tối thượng” là công thức gà rán có một không hai.

Với số tiền tiết kiệm cùng 105 đôla nhận từ quỹ an sinh xã hội, ông bắt đầu đi khắp nước Mỹ để đề nghị các nhà hàng bán món gà đặc biệt của mình, sau đó cùng phân chia lợi nhuận.

Trên hành trình này, Sander bị từ chối bởi tổng cộng 1009 nhà hàng. Đó là con số đáng kinh ngạc và đủ sức hạ gục quyết tâm của bất cứ một người trẻ nào, nhưng ý chí của Sander vượt lên trên tất cả những lần thất bại đó. Ông không bao giờ bỏ cuộc bởi ông rất tự tin vào công thức gà rán của mình và hương vị độc đạo của nó. Cuối cùng, một vài nhà hàng bắt đầu bị ấn tượng và tìm đến Sander.

Xác định được tiềm năng thực sự của công thức gà rán, Sander thành lập nhà hàng KFC đầu tiên ở South Salt Lake, Utah năm ông 62 tuổi (năm 1952). Khởi nghiệp lại ở độ tuổi này, Sander vẫn không dập tắt tham vọng mở rộng nhượng quyền thương hiệu trên toàn quốc. Đến năm 1963, có đến gần 600 nhà hàng nhượng quyền KFC và biến KFC trở thành một thương hiệu cực kỳ đắt giá.

Gương mặt đại diện của KFC

Tháng 10 năm 1963, một luật sư trẻ là John Y. Brown, Jr. và nhà đầu tư mạo hiểm tên là Jack C. Massey đã tiếp cận “cha đẻ KFC”, đề nghị mua lại quyền chuyển nhượng thương hiệu. Ban đầu Sander khá miễn cưỡng, nhưng ông dần bị thuyết phục và bán lại quyền của mình vào năm 1965 với giá 2 triệu đôla.

Theo hợp đồng, công ty Kentucky Fried Chicken sẽ thành lập các nhà hàng của riêng mình trên khắp thế giới và không thay đổi công thức gà rán. Sanders có mức lương trọn đời là 40.000 đôla (sau này tăng lên 75.000 đô la), một vị trí trong hội đồng quản trị, sở hữu phần lớn cơ sở nhượng quyền KFC tại Canada và sẽ là đại sứ thương hiệu của công ty.

Sander có phần không vui khi để lại đứa con tinh thần của mình, nhưng ở tuổi 75, ông nghĩ đây là quyết định đúng đắn. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là Sander đã từ chối cổ phiếu của công ty và không thương lượng để đạt được mức lương cao hơn.

Có vẻ như mục tiêu mà “cha đẻ KFC” luôn theo đuổi chưa bao giờ là sự giàu có, mà là trở nên nổi tiếng nhờ công thức món ăn của mình. Đó là lý do ông đã liên tục càu nhàu về nước sốt có chất lượng kém đi nhưng lợi hơn về mặt chi phí mà công ty KFC bắt đầu sản xuất. Với ông, việc thu về lợi nhuận khủng không phải yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Cho đến khi qua đời vào năm 1980, Sander đã đi 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm các nhà hàng KFC và tích cực quảng bá thương hiệu trên truyền thông.

Brown, người đã bán cổ phần của mình tại KFC vào năm 1971 với giá 284 triệu đô la, trở thành thống đốc của Kentucky vào năm 1979. Khi Sanders qua đời vào năm sau, Brown gọi Sanders là “một huyền thoại thực sự” và “tinh thần của giấc mơ Mỹ”, New York Times đưa tin.

“Hãy tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình và đừng bao giờ từ bỏ”. Câu nói này nghe qua thật sáo rỗng, nhưng chúng tôi tin rằng bạn đã thấu hiểu được phần nào đó tinh thần không bỏ cuộc thông qua câu chuyện về “cha đẻ KFC”, khi sự kiên trì của ông đã đưa thương hiệu gà rán của mình trở thành thương hiệu được yêu thích hàng đầu thế giới.

Thật tuyệt khi trao tặng ai đó một bó hoa xinh chứa đựng thật nhiều quan tâm và yêu thương từ đáy lòng. Càng tuyệt hơn nữa khi bó hoa trở thành món quà mang tính cá nhân sâu sắc, được chăm chút tỉ mỉ từng chút một thật “đúng ý” khách đặt hàng. Thấu hiểu nhu cầu đó, Floracracy, công ty bán hoa trực tuyến tại Mỹ ra mắt vào tháng 10/2020 đã làm tất cả những gì có thể để dịch vụ của mình trở thành lựa chọn tốt nhất cho tất cả khách hàng khi muốn tặng hoa cho những người thương yêu.

Số tiền tài trợ mà Floracracy kêu gọi được tại thời điểm ra mắt lên đến 1,02 triệu USD. Dưới đây là ý tưởng và cách hoạt động của công ty khởi nghiệp này để bạn tham khảo.

Nhiều khách hàng đã để lại phản hồi rất tốt cho Floracracy ngay sau lần đầu sử dụng. Khi muốn đặt mua hoa, bạn sẽ sử dụng công cụ thiết kế trên website Floracracy, cho phép bạn đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất dựa trên dịp tặng hoa, mối quan hệ của bạn với người nhận, cảm xúc bạn muốn gửi gắm, kiểu hoa bạn thích… Chẳng hạn, nếu muốn gửi hoa cho chính mình, bạn có thể điền vào nơi dự kiến sẽ đặt hoa trong nhà như “bàn cà phê” và phong cách lựa chọn là “sân vườn”.


Ảnh chụp màn hình công cụ thiết kế, cho phép tùy chỉnh hình dáng, bảng màu và các loại hoa cụ thể theo cách sắp xếp bạn muốn. Ảnh: Insider

Sau đó, công cụ sẽ đưa ra đề xuất về những cách cắm hoa phù hợp với nhu cầu của bạn, hoặc bạn có thể chọn kiểu có sẵn đúng với tiêu chí của mình. Chọn xong hình dáng và kích thước, bạn tiếp tục tùy chỉnh mọi chi tiết khác như màu sắc và các loại hoa cụ thể.

Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Floracracy cho biết hầu hết mọi người đều có sự yêu thích nhất định với các sắc thái khác nhau của các loài hoa, họ có xu hướng lựa chọn những bông hoa mọc bên ngoài ngôi nhà thuở ấu thơ hoặc gắn liền với một kỷ niệm đẹp. Bản thân cô đã trải qua nhiều lần mua hoa không ưng ý trước đây, do đó mong muốn khách hàng của mình nhận được bó hoa giống nhất với những gì họ đã hình dung khi đặt hàng.

Điều thú vị là khi bạn di chuột qua các loại hoa khác nhau, công cụ sẽ hiển thị ý nghĩa và nguồn gốc các loại hoa, từ đó giúp bạn tạo ra một tác phẩm phù hợp nhất với tâm trạng và cảm xúc mà mình muốn truyền tải.

Website cũng cho phép bạn chọn ngày giao hàng hợp lý. Nếu muốn tặng hoa cho ai đó, bạn sẽ có tùy chọn tự viết thiệp hoặc để công ty viết thiệp dựa trên thông tin bạn cung cấp.

Quá trình này có thể mất khoảng 15-20 phút nếu bạn muốn xem kỹ tất cả các tùy chọn sẵn có. Với những người không tự tin nhiều về khiếu thẩm mỹ của mình hoặc không có nhiều thời gian, Floracracy cũng có tùy chọn “thiết kế giúp tôi” để hỗ trợ.

Giá của các bó hoa tự thiết kế này dao động từ 165-350 USD, nhỉnh hơn đáng kể so với giá hoa ở các tiệm thông thường. Tuy nhiên, với việc tập trung vào trải nghiệm cá nhân hóa, Floracracy đã không chọn cách cạnh tranh về mức giá với các đối thủ của mình.

Công ty cung cấp dịch vụ giao hoa đến 48 bang hoàn toàn miễn phí, đây là điểm cộng lớn bởi phí giao hoa thường khá đắt đỏ. Công ty không giao hàng trong ngày do đặc thù của gói dịch vụ theo yêu cầu và bạn có thể nhận hàng sớm nhất vào ngày hôm sau.

Bó hoa được gói kỹ trong thùng giấy để vận chuyển an toàn đến tay người nhận. Ảnh: Insider

 

Mức giá của bó hoa sẽ không còn là điều khiến bạn lăn tăn khi nhận hàng. Bên trong thùng giấy cứng cáp là bó hoa đúng ý mà bạn đã lựa chọn, kèm theo đó là một chiếc bình thủy tinh được thổi tại nhà máy Verre Beldi nổi tiếng ở Morocco, một chiếc kéo vàng, bản in các loài hoa và ý nghĩa của chúng, một lá thư cá nhân hóa và một cuốn sổ để ép cánh hoa.

Tài liệu đi kèm về chăm sóc hoa bao gồm cả thông tin về cách làm khô và bảo quản cánh hoa. Đó là cách Floracracy thừa nhận việc chưng hoa tươi là một thú vui không kéo dài và đưa ra gợi ý để bạn tận hưởng món quà tự nhiên này càng lâu càng tốt.

Bản hướng dẫn cũng lưu ý rằng nếu bạn gửi tặng chiếc bình rỗng cho một trung tâm bảo vệ phụ nữ nào đó và thông báo cho Floracracy biết, công ty sẽ gửi hoa tặng họ.

Mỗi bó hoa tươi đi kèm với rất nhiều vật dụng khác, gây ấn tượng mạnh với khách hàng. Ảnh: Insider

 

Và đó là cách Floracracy đã nâng tầm một dịch vụ quen thuộc như cung cấp hoa tươi lên một đẳng cấp khác, thu hút được vốn đầu tư khổng lồ và mang lại giá trị ý nghĩa cho người tiêu dùng.

Bạn đang kinh doanh lĩnh vực gì? Có ý tưởng độc đáo nào vừa lóe lên sau khi đọc bài viết này không? Hy vọng bạn đã rút ra được bài học thú vị nào đó từ câu chuyện khởi nghiệp của Floracracy. Nếu có bất kỳ điều gì muốn chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé.

Năm 2009, Rovio – công ty phát triển trò chơi trên điện thoại tại Phần Lan đã phát hành một trò chơi ngộ nghĩnh với hình ảnh những chú chim giận dữ. Chẳng ai ngờ nó sẽ trở thành trò chơi đầu tiên trên thế giới đạt đến 1 tỷ lượt tải xuống, biến công ty vô danh thành hình mẫu khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ. 

Nhìn lại lịch sử của Angry Birds, chúng ta có thể rút ra được những bài học ý nghĩa. 

51 lần thất bại.

Angry Birds bắt đầu như thế nào? Ba anh chàng mở công ty Rovio Entertainment. Họ đam mê game và mong muốn tạo ra thứ gì đó thật độc đáo. Họ bắt đầu phác thảo hàng ngày và ra mắt đến 51 game nhưng không đạt được thành tựu nào nổi bật. 

Mọi thứ trở nên nặng nề khi Rovio gần tiến đến bờ vực phá sản. Họ không bỏ cuộc và quyết định tạo thêm một trò chơi ấn tượng nữa. 

Mỗi ngày Rovio phác thảo đến 10 ý tưởng. Và một ngày nọ, những chàng trai đã làm cho những chú chim tức giận. Đây là khởi đầu của một trò chơi trực tuyến được coi là thành công bậc nhất trong lịch sử. 

Thành công vang dội của Angry Birds thường được nhắc kèm với 51 lần thất bại trước đó. Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua về những ngày trước khi có App Store là trong khi các trò chơi di động phát triển nhanh chóng và đơn giản, thị trường lại rất nhỏ bé. Tất cả công ty phải phát hành hàng chục trò chơi mỗi năm chỉ để kiếm đủ tiền tồn tại. 

Trong bối cảnh đó, việc phát hành 51 trò chơi không thành công không hẳn là một dấu hiệu thất bại mà là khả năng phát triển mạnh trong lĩnh vực non trẻ này. 

Về bản thân Angry Birds, trò chơi là sự kết hợp thông minh của việc hiểu rõ cơ chế, có sự hỗ trợ của công nghệ mới, trải nghiệm người dùng tuyệt vời, nhân vật nổi bật và âm thanh ấn tượng. Tuy nhiên, có lẽ lý do cốt lõi cho thành công vang dội của Angry Birds là về mặt xúc giác, khi nó sử dụng cách chơi theo quỹ đạo vật lý của các game flash như Crush the Castle và triển khai trên các thiết bị di động màn hình cảm ứng mới như Apple iPhone và Nokia N900.  

Sự phát triển của Angry Birds.

Do 79% doanh thu của Rovio gắn liền với thương hiệu Angry Birds, công ty đã phải nỗ lực đa dạng hóa các tựa game để thúc đẩy sự tăng trưởng nhất quán trên thị trường. 

Khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu phát hành các freemium game (miễn phí các tính năng cơ bản và tính phí các tính năng nâng cao), Rovio đã trải qua tình trạng thua lỗ và buộc phải thu hẹp quy mô vào năm 2015. Tuy nhiên, việc trình chiếu bộ phim Angry Birds và một số trò chơi khác được ra mắt với mô hình freemium đã giúp Rovio vực dậy để tiếp tục tăng trưởng. 

Sự phát triển ứng dụng di động của Angry Birds không chỉ dừng lại ở doanh thu từ trò chơi. Thay vì chỉ chạy quảng cáo trên mạng xã hội về trò chơi đơn thuần, Rovio nhận thấy người dùng rất yêu thích các nhân vật ngay cả khi họ không tham gia chơi game. Công ty bắt đầu thúc đẩy thương hiệu trở nên phổ biến hơn bằng cách mở rộng sang kinh doanh dựa trên hình ảnh phổ biến của những chú chim giận dữ. 

Tối ưu hóa App Store cũng là một trong những bước quan trọng mà Rovio đã làm cho Angry Birds, bởi công ty nhận thức rõ rằng bước đầu tiên và quan trọng nhất để tiếp thị một ứng dụng là chuẩn bị cho cửa hàng ứng dụng. 40% người dùng khám phá các ứng dụng và trò chơi bằng cách trực tiếp tìm kiếm chúng bằng các từ khóa liên quan, điều đó khiến các ứng dụng phải tối ưu hóa cho cửa hàng từ logo bắt mắt đến lời mô tả ấn tượng. 

Rovio không chỉ cho mọi người biết nội dung trò chơi mà còn nêu bật các tính năng chính của trò chơi, các bản cập nhật mới và những gì người chơi chia sẻ. Công ty cũng tạo bản xem trước bằng video trên cửa hàng ứng dụng, điều này cho phép người dùng cảm nhận trò chơi trước khi tải xuống. 

Bên cạnh đó, Rovio sử dụng một số cơ chế kiếm tiền để hỗ trợ sự phát triển của trò chơi và gia tăng lợi nhuận. Người chơi có thể mua đá quý để nâng cấp nhanh hơn hoặc sử dụng trong trường hợp hết mạng trước khi hoàn thành một cấp độ. 

Đầu tư vào nền kinh tế ảo của trò chơi khiến mọi người chơi lâu hơn và quay trở lại thường xuyên hơn. Việc chiết khấu theo số lượng cũng làm tăng giá trị đơn hàng trung bình. Chỉ cần bỏ thêm một ít tiền, người chơi có thể mua được nhiều đá quý hơn với giá ưu đãi. 

Việc kết hợp tính năng xã hội vào thiết kế để người chơi có thể giao lưu với bạn bè của họ cũng được xem là một trong những nước đi thông minh của Rovio. 

Angry Birds gây nghiện vì nó có cách chơi đơn giản và dễ dàng trở thành một phần trong thời gian giải lao ngắn ngủi của người dùng. Ai cũng có thể chơi Angry Birds khi đang xếp hàng chờ đợi hoặc chỉ đơn giản là khi buồn chán. 

Mọi người thường bị thu hút bởi những thứ đơn giản, chứ không phải những gì cao siêu hay phức tạp. Do đó, thiết kế một trò chơi với sự đơn giản luôn thường trực trong tâm trí là cách những nhà sáng lập tài ba của Angry Birds tạo ra thành công với những chú chim giận dữ. Bạn có đồng ý với tư duy đơn giản hóa sản phẩm này không?