Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong năm 2022.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng kinh tế thế giới đang bắt đầu suy thoái rõ rệt sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong 2022 và 3,2% vào 2023.
Trong bối cảnh các biến thể Covid-19 mới ngày càng phức tạp, cũng như lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập gia tăng, đây không phải là điều khó hình dung. “Các yếu tố trên có thể cản trở khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển”, World Bank cho biết.
Biến thể Omicron đe dọa sản xuất toàn cầu
Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch Covid-19 nhiều khả năng tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong năm tới. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chịu ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, trong khi những “ông lớn” này cũng đang giảm tốc đáng kể.
Cụ thể, rủi ro gây ra bởi biến thể Omicron buộc Trung Quốc phải siết chặt chống dịch, đặc biệt là khi Thế vận hội mùa đông dự kiến sắp diễn ra vào ngày 4/2. Với vai trò vô cùng quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc nhiều thương hiệu lớn ở mọi lĩnh vực đang gặp khó khăn trong sản xuất.
Toyota, Samsung, Volkswagen nằm trong nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng sản lượng khi Covid-19 tái bùng phát ở quốc gia tỷ dân, khiến nhiều công ty sản xuất lớn đóng cửa, các bến cảng bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu nhân công ngày càng trở nên trầm trọng.
Theo một nghiên cứu của Russell Group, việc một giao dịch thiết yếu bị trì hoãn tại cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thương mại với quy mô đến 4 tỷ USD. Trong khi đó, vào tháng 8 năm ngoái, một bến container tại cảng Ninh Ba buộc phải đóng cửa trong 2 tuần sau khi phát hiện một ca dương tính có liên quan.
Từ khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng và nhà bán lẻ phương Tây càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm, từ máy tính xách tay cho đến xe đạp. Do đó, trong những tháng tới, sự càn quét của biến thể Omicron tại Trung Quốc có thể là nỗi ác mộng lớn nhất đối với sản xuất toàn cầu.
Một số nhà kinh tế cho hay Trung Quốc có thể siết chặt chính sách chống dịch và phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 4/2020. Chiến dịch chống Covid-19 thành công sẽ đi kèm sự ngưng trệ đối với sản xuất và chuỗi cung ứng.
Nguy cơ nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra nguy cơ nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
WB dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ khôi phục sản xuất hoàn toàn vào năm 2023. Trong khi đó, sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với tiền đại dịch. Khoảng cách thậm chí còn lớn hơn đối với nhiều nền kinh tế dễ bị tổn thương.
Tình trạng lạm phát tăng kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người lao động thu nhập thấp, đang gây cản trở đối với chính sách tiền tệ. Lạm phát trên thế giới nói chung và lạm phát ở các nước phát triển nói riêng đang ở mức cao nhất kể từ 2008, trong khi các thị trường mới nổi và đang phát triển cũng chứng kiến mức lạm phát cao nhất kể từ năm 2011. Do vậy, dù nền kinh tế còn lâu mới có thể phục hồi, nhiều nước trong nhóm đang phát triển đang rút lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát.
Giám đốc Chương trình Báo cáo triển vọng của World Bank, ông Ayhan Kose lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cần phải sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng.
Chừng nào các quốc gia chưa thực hiện cải cách để giải quyết hậu quả của đại dịch, chừng đó kinh tế còn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Những vấn đề cần chú ý để cải thiện bao gồm biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới và khoảng cách thu nhập.
Bà Mari Pangestu, Tổng giám đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của World Bank khẳng định, những quyết sách của các nhà hoạch định trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình phát triển 10 năm tiếp theo.
Ưu tiên trước mắt là đảm bảo triển khai vaccine rộng rãi hơn, công bằng hơn để kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, những bước thụt lùi trong tiến trình phát triển như gia tăng tình trạng bất bình đẳng thì sẽ cần kế hoạch dài hơi hơn để xử lý.
Trong giai đoạn đặc biệt khi tỷ lệ nợ tăng cao này, hợp tác toàn cầu sẽ là bước cần thiết để củng cố nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm phát triển xanh và bền vững.
Nguồn: World Bank