LÃNH ĐẠO

LÃNH ĐẠO

Đôi khi một sự cố rất nhỏ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Tố chất cần thiết của nhà lãnh đạo là khả năng tư duy sắc bén, đoán biết tình hình và đưa ra những quyết định kịp thời. 

Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ mang đến cho bạn một thông điệp mạnh mẽ về tư duy lãnh đạo. Cùng theo dõi nhé. 

Nữ hoàng và giọt mật ong

Ngày xưa, có một nữ hoàng đứng ở ban công bàn chuyện với cố vấn của mình trong khi đang ăn bánh gạo rưới mật ong. Giữa chừng, một giọt mật ong rơi xuống lan can khi nữ hoàng đang chỉ tay vào thứ gì đó ở phía xa. Vị cố vấn hỏi có nên gọi người hầu đến dọn dẹp hay không, nữ hoàng chỉ cười và bảo đó không phải chuyện của bà, chỉ là một giọt mật và sẽ có người đến dọn dẹp sau. 

Họ tiếp tục ăn uống và trò chuyện khi những giọt mật bắt đầu từ từ nhỏ xuống con phố sầm uất bên dưới. Vị cố vấn một lần nữa cố gắng nói với nữ hoàng rằng mật đã rơi xuống đường và mời gọi ruồi bâu đến. Ông ta lại hỏi có nên gọi người hầu không. Cũng như lần trước, nữ hoàng thờ ơ đáp, chuyện giọt mật có vài con ruồi bâu vào không phải chuyện của ta. Rồi sẽ có người đến giải quyết sau. 

Ngay sau đó, một con thằn lằn lao ra từ bức tường bên dưới cung điện để bắt ruồi. Tiếp đến, một con mèo lao ra từ một tiệm bánh gần đó và nhập cuộc. Hai con vờn nhau qua lại cho đến khi một con chó của người bán thịt tức giận nhảy vào cắn cổ con mèo. Vị cố vấn lúc này nhắc nhở nữ hoàng rằng những con ruồi đã thu hút một con thằn lằn, sau đó là một con mèo và con mèo đó đang bị chó tấn công. Một lần nữa, nữ hoàng chỉ vươn vai và lắc đầu. Bà bảo vị cố vấn hãy bình tĩnh và cuộc chiến vớ vẩn giữa những con vật kia không phải chuyện của mình. 

Khi người thợ làm bánh nhìn thấy các con vật đánh nhau, anh chạy ra ngoài với cây cán bột trong tay và bắt đầu đánh con chó để bảo vệ mèo của mình. Người bán thịt nghe thấy tiếng kêu của con chó liền chạy ra, tay lăm lăm cây chổi và đánh người làm bánh. Trong lúc hai người này mải đánh nhau, chủ những cửa hàng gần đó cũng tham gia tấn công cho phe mình ủng hộ. Một đoàn lính đi ngang qua đó, trong đó một người phát hiện ra người quen là anh bán thịt, số khác lại có mối thân tình với người bán bánh. Cứ thế cuộc chiến mỗi lúc càng mở rộng quy mô và gây náo loạn cả khu phố. 

Mọi người bắt đầu ném đá, lật xe, quăng đuốc qua cửa sổ. Cuối cùng một ngọn lửa bùng lên và lan đến cung điện. Nữ hoàng và cố vấn lập tức được hộ tống ra khỏi đó khi tình hình trở nên nguy hiểm hơn. 

Đến cuối ngày hôm đó, khi ngọn lửa đã tắt, họ nhìn lại đám tro tàn trước mặt. Nữ hoàng dừng lại ở phía ban công mình đứng lúc chiều và để ý thấy một vũng nước nhỏ trên mặt đất. Bà nhận ra đó chính là những giọt mật ong và tự nhủ nhẽ ra mình phải làm sạch nó ngay từ đầu. Cung điện của bà giờ đã cháy thành tro chỉ vì một giọt mật nhỏ nhoi. Kể từ ngày đó, nữ hoàng không bao giờ còn nói câu “Đó không phải vấn đề của ta!”.

Bài học rút ra

Một nhà lãnh đạo giỏi nên có tư duy đúng đắn và hành động phù hợp ngay khi tình huống xảy ra. Nếu không, những gì đang chờ đợi bạn có thể là kết cục của nữ hoàng trong câu chuyện. 

Học cách lắng nghe và cân nhắc những gì người khác đang đề xuất cũng là kỹ năng mà mọi nhà lãnh đạo nên sở hữu. Hơn nữa, việc quan tâm đến những người đang làm việc cùng mình cũng là điều cần thiết để mọi thứ diễn ra hiệu quả và suôn sẻ hơn. 

Cảm ơn bạn đã theo dõi câu chuyện nhỏ từ Tư Duy Doanh Chủ. Chia sẻ với chúng tôi những bài học bạn rút ra từ câu chuyện ở phần bình luận bên dưới nhé.

Khi bạn chọn trở thành một nhà lãnh đạo, tất cả mọi người sẽ dõi theo từng cử chỉ, hành động và lời nói của bạn. Đôi khi họ bắt chước những gì bạn đang làm. Đôi khi họ yêu cầu bạn hướng dẫn để làm theo. Có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, bạn chính là người có sức ảnh hưởng lớn đến kết quả sau cùng của tập thể. 

Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra là rất nhiều nhà lãnh đạo đôi khi hiểu nhầm vai trò của chính mình và điều đó sẽ hạn chế hiệu quả công việc. Dưới đây là 6 hiểu nhầm phổ biến của các nhà lãnh đạo mà bạn có thể xem xét.

6 hiểu nhầm về vai trò của lãnh đạo

1. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là đem lại kết quả mỗi ngày.

Bạn đo lường thành công bằng các tiêu chuẩn ngắn hạn như sản lượng hàng ngày hoặc hạn ngạch hàng tháng. Bạn giám sát hoạt động của mình và của từng người trong nhóm, thường xuyên kiểm tra để giữ cho mọi thứ tuân theo đúng kế hoạch vạch ra về hiệu suất. 

2. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là trở thành người hiểu biết nhất, có năng lực cao nhất và nhiều kinh nghiệm nhất trong nhóm. 

Bạn là người giải quyết vấn đề, luôn sẵn sàng xông pha xử lý các nhiệm vụ khó khăn và “dọn dẹp” đống lộn xộn đang bày ra trước mắt. Bạn thích thể hiện vốn hiểu biết của mình. Và đôi khi, bạn sẵn sàng bác bỏ các ý kiến của người khác vì nghĩ rằng họ chưa đủ kinh nghiệm.

3. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là duy trì hiện trạng. 

Bạn tin rằng “Nếu thứ gì đó không hỏng, đừng sửa nó”. Tất cả mọi người trong nhóm đều có rất nhiều việc phải làm, và mọi thứ đang ở mức tốt. Vì vậy, tại sao phải thực hiện những thay đổi khiến cả nhóm làm việc chậm lại hoặc mất tập trung vào công việc được giao? 

4. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là giữ môi trường làm việc ôn hòa. 

Bạn đưa ra quyết định công bằng và hợp lý dựa trên tiền lệ. Bạn tránh những xung đột và mong đợi điều tương tự ở người khác. Bạn không muốn mạo hiểm, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến thay đổi hoặc gián đoạn. 

5. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là tiếp tục thực hiện kế hoạch. 

Bạn lần lượt làm theo danh sách công việc đã lên sẵn, đảm bảo nhân viên luôn tuân thủ chính sách, cẩn thận lắng nghe quản lý ở cấp cao hơn và làm theo hướng dẫn. Bạn không đi lệch khỏi kế hoạch của họ, cũng không thắc mắc về kế hoạch đó.

6. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là kiểm soát nhân viên tuyệt đối

Hầu hết những nhà lãnh đạo đều mong muốn cấp dưới đều có thể tuân thủ mình tuyệt đối. Nhưng đôi khi sự kiểm soát gắt gao lại mang lại những kết quả tồi tệ. Việc kiểm soát gắt gao có thể khiến nhân viên có sự tuân thủ ngoài mặt nhưng không có sự gắn kết với nhà quản lý. Khi không cảm thấy có sự gắn kết, họ có thể không tích cực hoặc không làm theo kế hoạch mà bạn đã đưa ra.

Tóm lại

Không có hành vi nào trong 6 hành vi kể trên bị dán nhãn là hành vi “xấu” hoặc “sai trái”. Chúng chỉ đơn giản không phải là hành vi nên có ở những nhà lãnh đạo. 

Nhà lãnh đạo đích thực luôn làm điều khác biệt. Họ nghĩ về mục tiêu dài hạn và bức tranh rộng lớn hơn. Họ thúc đẩy nhân viên vượt qua giới hạn tư duy và khả năng của chính mình. Họ cố gắng khám phá những cách làm mới và thách thức hiện trạng. 

Các nhà lãnh đạo xem cạnh tranh lành mạnh và rủi ro là bước đệm cho những điều tốt đẹp hơn ở phía trước. Họ đưa ra ý tưởng mới, khuyến khích nhân viên sáng tạo và luôn đón nhận những phản hồi có tính xây dựng. 

Bạn suy nghĩ gì về bài viết này? Nếu có bất kỳ chia sẻ nào, hãy để lại bình luận ở bên dưới và cùng thảo luận về Tư Duy Doanh Chủ nhé. 

Khi ở trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, người bình thường có xu hướng than vãn, người lãnh đạo lại không được phép bộc lộ nỗi sợ hãi của mình. 

Hy vọng câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu người lãnh đạo cần làm gì để dẫn dắt nhóm trong giai đoạn khó khăn. 

Người đi buôn trên sa mạc

Xưa kia có một đoàn người đi buôn di cư từ nơi này sang nơi khác quanh năm để rao bán và trao đổi mặt hàng. Một lần nọ, họ gặp phải một sa mạc bỏng rát. 

Người dẫn đầu đi thám thính tình hình quanh đó và thu thập được thông tin quan trọng rằng ban ngày nắng nóng đến mức không ai có thể đi trên cát, kể cả lạc đà. Ngoài ra, phải mất đến ba đêm mới có thể vượt qua sa mạc. 

Nghe vậy, người dẫn đầu quyết định tất cả sẽ di chuyển trong đêm khi cát đã nguội dần, và cắm trại nghỉ ngơi vào ban ngày. Sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định thuê một người hướng dẫn để hành trình băng qua sa mạc trở nên dễ dàng hơn. 

Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, đoàn lữ hành bắt đầu lên đường cùng bầy lạc đà của mình. Sau hai đêm, họ đã hoàn thành khoảng ¾ chặng đường. 

Vào đêm thứ ba, họ lại tiếp tục hành trình. Người hướng dẫn cho rằng đó là đêm cuối trước khi cả đoàn băng qua được sa mạc, do đó tất cả yên tâm thư giãn và chìm vào giấc ngủ trên lưng lạc đà. Họ không hề biết con lạc đà của người hướng dẫn đã quay đầu và những con lạc đà khác cũng bắt đầu theo sau. 

Tất cả những con lạc đà đi thành một vòng tròn lớn và quay trở lại điểm xuất phát đêm qua. 

Khi mặt trời mọc, đoàn lữ hành phát hiện dấu vết của cuộc cắm trại đêm qua ở ngay gần mình. Những người đi buôn đều lo không có đủ nước để vượt qua sa mạc khi chặng đường bỗng trở nên dài hơn. Họ đổ lỗi cho người lãnh đạo và người hướng dẫn: “Không có nước làm sao chúng tôi sống sót được giữa sa mạc này?”

Trưởng đoàn tự nói với chính mình: “Ta đang kẹt trong tình thế rất nguy nan. Nếu mình mất can đảm, mọi người có thể mất tính mạng!”. Anh lấy lại bình tĩnh và bắt đầu quan sát xung quanh. 

Tìm thấy một bó cỏ ở gần đó, anh lập tức gọi những người bạn đồng hành đến xem. Anh đề nghị tất cả cùng đào quanh đám cỏ này, bởi quanh đây có thể có nước. Không có nước thì cỏ sẽ không thể tồn tại giữa môi trường khắc nghiệt này. 

Tất cả đồng ý và bắt đầu đào cát, chẳng mấy chốc tìm được một tảng đá lớn rất khó phá vỡ. Họ thất vọng tràn trề và lại bắt đầu đổ lỗi cho trưởng đoàn: “Anh vừa lãng phí thời gian và sức lực của chúng tôi”. 

Người này trả lời: “Không vô ích đâu. Nếu bây giờ chúng ta bỏ cuộc, mọi nỗ lực của chúng ta mới trở nên vô ích. Hãy tiếp tục cố gắng”.

Sau đó, anh áp tai vào tảng đá, yên lặng lắng nghe và nhận ra tiếng nước chảy. 

Anh chỉ định người đàn ông mạnh nhất trong nhóm: “Nếu anh bỏ cuộc, tất cả chúng ta sẽ chết ở đây. Vậy nên hãy dồn sức phá nát tảng đá này đi”.

Người đàn ông bèn cầm chiếc búa lên và đập mạnh nhất có thể liên tục vào tảng đá. Khi tảng đá bắt đầu nứt, nước bắt đầu phun ra từ đó. Đoàn người đi buôn vui mừng khôn xiết, uống no nước rồi đổ đầy bình. 

Trưởng đoàn và người hướng dẫn cảm thấy nhẹ nhõm, tiếp tục dẫn dắt đoàn người cho đến khi băng qua được sa mạc. 

Bài học rút ra

Khi dẫn dắt một nhóm, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ bên ngoài và trong chính nội bộ tập thể. Điều đó càng giúp bạn mài giũa khả năng lãnh đạo của mình. Chỉ cần lưu ý rằng bạn luôn là kim chỉ nam của nhóm, bạn không được mất tập trung và hãy nỗ lực không ngừng để hướng đến mục tiêu đã định. 

Cũng đừng quên quan sát và tìm kiếm cơ hội từ xung quanh nhé! Đừng dễ dàng bỏ cuộc, bạn chắc chắn sẽ đến đích nếu tiếp tục bước đi. 

Truyện ngắn về vị vua chăn cừu và bài học về khả năng lãnh đạo

Con đường của mỗi nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng được trải sẵn, công việc lãnh đạo một tập thể cũng không hề hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Chúng ta luôn bị thách thức bởi môi trường xung quanh và đôi khi cũng dễ bị chệch hướng khỏi con đường đã định. Vì vậy, hãy liên tục tìm kiếm động lực để kiên định với lựa chọn của mình. 

Cùng đọc truyện ngắn thú vị dưới đây và phân tích về kỹ năng lãnh đạo nhé.

Vị vua chăn cừu

Có một vương quốc xinh đẹp được cai trị bởi một vị vua trẻ. Anh vừa lên tiếp quản thay vua cha sau khi ông qua đời. 

Sau vài tháng trị vì, thử thách bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Hạn hán kéo dài gây thiệt hại cho nông dân, giết chết nhiều động vật, chim chóc và thực vật quý trong rừng. Ngay sau đó, một dịch bệnh lạ kéo đến khiến người dân chết như ngả rạ. 

Quá trình hồi phục vương quốc diễn ra rất chậm, và ngay trước khi có thể vượt qua được khó khăn, kẻ thù đã chiếm đoạt vương quốc, gây ra cảnh giết chóc và cầm tù nhiều quan lính của anh. Vị vua trẻ may mắn trốn thoát và lên kế hoạch tới cầu cứu vị vua của vương quốc láng giềng, một người bạn từ thuở ấu thơ. 

Trên đường đi, anh nghĩ tại sao tất cả tai ương này lại rơi xuống đầu mình. Anh được sinh ra và nuôi dưỡng để trở thành một vị vua của vương quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, nhưng giờ đây bỗng đánh mất tất cả. Anh tin đó là vận xui của mình, bởi chưa có một vị vua nào anh biết phải trải qua những điều đó. 

Khi vị vua trẻ đến cung điện của bạn mình, lính canh đã liên tục ngăn cản anh vào bên trong, bởi quần áo anh mặc quá tuềnh toàng và bẩn thỉu. 

Anh tìm cách nhận một công việc để mua bộ đồ tươm tất hơn, với quyết tâm vượt qua cánh cổng của cung điện. 

Vài ngày sau, anh được gặp người bạn của mình và giải thích mọi điều đã xảy ra. Sau khi lắng nghe câu chuyện, vị vua kia ra lệnh quân lính giao cho anh một đàn cừu 100 con. 

Vị vua trẻ lấy làm ngạc nhiên vì những gì anh mong đợi không phải là điều này. Anh không muốn trở thành một người chăn cừu. Nhưng không còn cách nào khác, anh buộc lòng chấp thuận đề nghị của bạn mình. 

Sau đó vài ngày, khi anh đang chăn thả đàn cừu trên cánh đồng, một bầy sói đã tấn công và giết từng con cừu một. Hoảng sợ trước tình huống này, vị vua trẻ đã bỏ chạy khỏi nơi đó.

Anh ta một lần nữa đến gặp bạn mình và yêu cầu được giúp đỡ. Lần này anh được giao 50 con cừu. Một lần nữa, anh thất bại trong việc bảo vệ đàn cừu khỏi bầy sói. 

Lần thứ 3, anh chỉ được tặng 25 con cừu. Lần này vị vua trẻ quyết định rằng, nếu ta không bảo vệ đàn cừu này bằng mọi giá, ta sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào nữa. 

Do đó, anh nghiên cứu kỹ khu vực chăn thả của mình và hiểu rõ vị trí tấn công của bầy sói. Anh dựng thêm hàng rào xung quanh. Anh dành thời gian theo dõi những người chăn cừu khác và học hỏi kinh nghiệm chăn thả gia súc từ họ.

Sau vài năm, đàn cừu của anh đã tăng số lượng lên đến 1000 con. Vô cùng vui sướng, anh đến gặp người bạn của mình và kể về những gì mình đã đạt được. Lắng nghe xong câu chuyện của anh, người bạn ra lệnh các vị quan đại thần giao cho anh một vương quốc để toàn quyền cai trị. 

Nghe vậy, anh kinh ngạc hỏi người bạn của mình: “Tại sao anh không giao vương quốc đó cho tôi ngay lần đầu tôi đến gặp anh để cầu cứu?” 

Người bạn từ tốn trả lời: “Lần đầu tiên khi anh đến tìm kiếm sự giúp đỡ, suy nghĩ của anh khi đó chính là mình được sinh ra và nuôi dưỡng để trở thành người trị vì vương quốc, nhưng thực tế lại khác xa với điều anh nghĩ. Anh có thể ngậm thìa vàng từ lúc sinh ra, kiêu hãnh và đầy quyền lực, nhưng anh chưa bao giờ được huấn luyện bài bản để lãnh đạo người dân của mình. 

Vì vậy, khi tôi giao đàn cừu để anh đi chăn, tôi đang chờ đợi anh học hỏi cách quản lý và dẫn dắt người khác. Bạn thân mến, giờ thì tôi tin là anh đã đủ khả năng để làm điều đó rồi!”

Bài học rút ra

Sinh ra trong gia đình quyền thế hoặc trở thành lãnh đạo cấp cao ngay từ lúc khởi đầu không khiến bạn trở thành một nhà lãnh đạo đích thực. 

Nếu nắm quyền chức trong tay mà cách quản lý không đủ sức thuyết phục, cấp dưới sẽ không coi trọng và không muốn tuân theo chỉ thị của bạn. 

Ở một góc nhìn khác, có rất nhiều người tin rằng tố chất lãnh đạo là tố chất bẩm sinh. Đó không phải là nhận định hoàn toàn chính xác. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo, thậm chí xuất sắc trong vai trò này nếu không ngừng học hỏi những bí quyết giữ an toàn cho “đàn cừu” của mình.

Hãy đọc thêm nhiều bài viết bổ ích ở website Tuduydoanchu.com các bạn nhé!

Việc để mất một nhân viên giỏi có thể ảnh hưởng mạnh đến tinh thần của cả đội, gây ra hiệu ứng domino dẫn đến hiệu suất kém và bầu không khí nặng nề trong công ty. 

Các nhà quản lý hàng đầu luôn làm tất cả những gì có thể để khiến nhân viên hạnh phúc trong khi làm việc, nhưng đôi khi họ cũng vô tình mắc phải những sai lầm khiến nhân sự liên tục rời đi. 

Dưới đây là 5 trong số những sai lầm lớn và cách để bạn tránh mắc lỗi.  

1. Đàn áp quá mức

Bằng cách không cung cấp đủ thông tin, nguồn lực hoặc quyền tự chủ cho nhân viên, bạn đang gây áp lực không cần thiết và ngăn cản họ làm việc tốt nhất trong khả năng của mình. 

Nếu mọi quyết định dù lớn dù nhỏ đều phải thông qua cấp trên mà không được tự mình xử lý, về lâu dài nhân viên sẽ cảm thấy bất lực và ít được tôn trọng. 

Để tránh mắc lỗi này, hãy xem xét hai điều khi bạn đánh giá hiệu suất công việc: mức độ kiểm soát của nhân viên đối với kết quả và mức độ kiểm soát của bạn đối với những ràng buộc liên quan đến họ. Tìm cách giảm bớt các ràng buộc và khuyến khích khả năng kiểm soát của nhân viên. 

2. Đặt kỳ vọng không nhất quán

Các nhà quản lý đôi khi có những kỳ vọng trái ngược nhau và điều đó gây căng thẳng cho những nhân viên giỏi.

Ví dụ, một nhà lãnh đạo nói với nhân viên chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, anh ta lại thưởng cho nhân viên khi đạt được KPI về số lượng. Nhân viên muốn làm những công việc thực sự ý nghĩa và tạo ra giá trị, nhưng đồng thời cũng biết rằng nếu bỏ thời gian làm nhiều việc hơn thì sẽ được phần thưởng cao hơn. Do đó, căng thẳng dần dần tích tụ và họ bắt đầu chán ghét công việc của mình. 

Tốt hơn hết là bạn nên viết ra các kỳ vọng và mục tiêu mong muốn của mình, trao đổi cụ thể với nhân viên để xác minh xem liệu có điều gì mâu thuẫn hay không. Việc đánh giá thường xuyên cũng sẽ là bước cần thiết để mọi thứ đi đúng hướng, không lệch khỏi mong muốn ban đầu. 

3. Giao việc dưới khả năng của nhân viên

Với một số nhân viên xuất sắc, họ luôn kỳ vọng có thêm thách thức mỗi ngày trong công việc của mình, đòi hỏi khả năng sáng tạo và ứng biến nhanh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đôi khi cho rằng họ đang hạnh phúc làm công việc mà mình vốn rất giỏi và quen thuộc. 

Công việc dễ dàng hoặc quá ít so với hiệu suất tiềm năng của nhân viên sẽ làm họ cảm thấy thiếu động lực. Họ có thể giảm tốc độ tư duy và khả năng giải quyết vấn đề chỉ để lấp đầy thời gian.

Để hạn chế điều này, người quản lý nên có các buổi trao đổi định kỳ với nhân viên để tìm hiểu về hứng thú của họ trong công việc, đồng thời đặt ra các nhiệm vụ thử thách hơn nếu có thể. Bạn cũng cần cho họ nhìn thấy các cơ hội đào tạo, mục tiêu mới và lộ trình phát triển của bản thân trong công ty. 

4. Lãng phí tài nguyên

Các nhà quản lý đôi khi lãng phí thời gian và tài năng bằng cách để nhân viên dành hàng giờ cho các cuộc họp không mục đích cụ thể hoặc cho những nhiệm vụ có mức độ ưu tiên thấp. Nhân viên có thể chán nản và thất vọng khi việc này diễn ra quá nhiều lần. 

Là một người lãnh đạo giỏi, bạn nên sắp xếp mức độ quan trọng của các nhiệm vụ dựa trên mục tiêu cá nhân hoặc mục tiêu nhóm. Bạn cũng có thể để nhân viên làm việc cùng nhau và thiết lập các ưu tiên dựa trên khối lượng công việc của họ. Trong một cuộc họp, không nhất thiết mọi nhân viên đều phải có mặt. 

5. Tạo môi trường làm việc không phù hợp

Bạn sẽ đánh mất rất nhiều nhân tài nếu tạo ra môi trường làm việc:

  • Quá khắc nghiệt: Nhân viên sẽ trở nên “héo mòn” trong các môi trường mà ý tưởng luôn bị vùi dập và phản bác, trong khi sự hiếu chiến luôn được đề cao và khen thưởng.
  • Quá an toàn: Nhân viên sẽ không phát triển nếu họ không cảm thấy áp lực và không nghĩ công việc của mình đóng vai trò quan trọng cho công ty. 

Hãy tạo môi trường làm việc lành mạnh bằng cách kêu gọi các ý kiến phản hồi với tính xây dựng cao và luôn đón nhận ý kiến đóng góp của mọi người trước khi đưa ra quyết định. 

Cùng tìm hiểu thêm nhiều bài viết khác cùng chuyên mục để học cách trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn mỗi ngày nhé.

Tỷ phú Warren Buffett, nhà đầu tư thành công nhất thế giới đã đưa ra lời khuyên khôn ngoan cho các công ty đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo giỏi. 

Bạn có thể nghĩ rằng lời khuyên của ông chắc chắn nằm trong khuôn khổ chung, tuy nhiên đó lại là điều thường bị bỏ qua trong quá trình tuyển dụng. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm ba điều khi tuyển dụng. Chúng tôi tìm kiếm trí thông minh, chúng tôi tìm kiếm sáng kiến hoặc năng lượng, và chúng tôi tìm kiếm sự chính trực. Nếu không có điều cuối cùng, hai điều đầu tiên sẽ giết chết bạn. Nếu không tìm một người chính trực, thà bạn tuyển những người lười biếng và trì độn còn hơn”. 

Tại sao lại là chính trực? 

Đầu tiên, bạn cần trả lời trung thực một câu hỏi: Bạn có tuyển dụng những nhân viên chính trực không? Tính cách và đạo đức của một người, thứ thường không được coi trọng trong quá trình phỏng vấn, có thể ảnh hưởng rất nhiều đến công việc về sau, gây tốn kém cả về thời gian, công sức và tiền của. 

Một nhà lãnh đạo chính trực sẽ luôn hướng về sự thật. Về bản chất, đây sẽ là người luôn trung thực với các giá trị của bản thân, đón nhận những thay đổi, từ chối những hành động sai trái và họ chắc chắn sẽ đạt được thành công. 

Họ cũng là người thực hành những gì mình rao giảng cho nhân viên. Tính cam kết cao và tinh thần chịu trách nhiệm là những biểu hiện rõ rệt của một nhà lãnh đạo chính trực. Tất nhiên, sai lầm và thất bại có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng họ không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng không đổ lỗi cho người khác.

Một nhà lãnh đạo có tính chính trực sẽ thể hiện con người chân thực của mình. Họ sẽ đối mặt với tình huống khó khăn bằng sự minh bạch và không bị ràng buộc bởi cảm xúc. 

Dưới đây là một số lý do bạn nên coi giá trị của sự chính trực là một yêu cầu tuyển dụng để định hình văn hóa lãnh đạo của công ty. 

1. Chính trực giúp tạo dựng niềm tin

Ở nhiều công ty, việc sếp quản lý ngay cả những thứ chi li nhất sẽ tạo ra bầu không khí thiếu tin tưởng và khiến nhân viên luôn tìm cách đối phó. Trong những môi trường lãnh đạo chính trực và những người ở cấp quản lý luôn làm gương cho cấp dưới, mọi người có thể được tin tưởng và không phải lo lắng quá nhiều về các tiểu tiết. Điều này rất phù hợp với những ai tìm kiếm công ty và thương hiệu phù hợp với giá trị của chính mình. 

2. Chính trực giúp tiết kiệm tiền bạc và thời gian

Trong môi trường không có sự tin tưởng, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều quy trình, hệ thống và chính sách thừa thãi được áp cho nhân viên của mình. Các nhà lãnh đạo chính trực luôn cố gắng loại bỏ rào cản của sự ngờ vực, giúp nhân viên tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi của công ty. Nói một cách đơn giản, tính chính trực giúp làm giảm chi phí không cần thiết và có lợi cho lợi nhuận của công ty. 

3. Chính trực giúp bạn vượt qua đối thủ

Tổ chức toàn cầu Ethisphere hàng năm vinh danh các công ty có đạo đức cao nhất thế giới, công nhận “cam kết kiên định với sự liêm chính trong kinh doanh” và đây luôn là một danh sách đáng ngưỡng mộ. Việc lọt vào danh sách có thể mang lại nhiều lợi ích tài chính, bên cạnh việc nâng tầm uy tín và giá trị của công ty. 

Sự chính trực của người lãnh đạo là tố chất không thể thiếu, nhưng đôi khi sẽ rất khó để nhận định lúc ban đầu. Quan trọng nhất, đây chắc chắn không phải tố chất bạn có thể “giả vờ” như mình có. Mọi hành động bạn làm, mọi cử chỉ bạn thể hiện đều có thể nói lên bạn có phải là một người chính trực hay không. Do đó, hãy đảm bảo sự nhất quán và đúng mực ngay cả khi không có ai theo dõi.