Ngay cả những người yêu thích công việc, họ cũng có thể gặp căng thẳng tại nơi làm việc. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất và thậm chí dẫn đến quyết định nghỉ việc sau một thời gian.
Trên thực tế, chính tình yêu với công việc có thể khiến bạn trở nên căng thẳng hơn. Sự cầu toàn thái quá có thể bào mòn tâm trí và tinh thần của bạn. Ngoài ra, các mối quan hệ cá nhân tại nơi làm việc cũng có thể là một nguồn gây ra căng thẳng dồn nén và kéo dài.
Bài viết này sẽ giúp những người đóng vai trò quản lý và lãnh đạo trong công ty tìm ra cách giảm thiểu căng thẳng tại môi trường làm việc, từ đó giúp nhân viên cảm thấy hài lòng và năng suất lao động cao hơn.
Căng thẳng tác động thế nào đến năng suất và quyết định gắn bó của nhân viên?
Căng thẳng không phải là một vấn đề cá nhân, căng thẳng của nhân viên có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Dominic Harper, người sáng lập Debt Bombshell, cho biết: “Căng thẳng có thể phá hỏng tính cách của một người, khiến họ không đạt được trạng thái tốt nhất khi làm việc. Khi một nhân viên không thể hiện bản thân một cách tốt nhất, mức năng suất của họ có xu hướng giảm và động lực hoàn thành nhiệm vụ cũng giảm theo.
Dưới đây là một số tác động của căng thẳng ở nơi làm việc:
- Nơi làm việc căng thẳng đồng nghĩa với tốc độ thay thế nhân sự cao. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của Wrike về căng thẳng và kiệt sức tại nơi làm việc, 56% người được hỏi cho biết họ đang tìm kiếm một công việc mới do căng thẳng ở công việc hiện tại, 25% bỏ việc và 16% dọa bỏ việc. Tốc độ thay thế nhân sự cao khiến công ty tốn kém nhiều chi phí và ảnh hưởng đến năng suất tổng thể.
- Nhân viên ít quan tâm đến công việc do căng thẳng. Cuộc khảo sát của Wrike báo cáo rằng 46% người được hỏi đã ngừng quan tâm hoặc nghỉ việc do căng thẳng. Trong một nghiên cứu của Colonial Life năm 2019 , 41% người được hỏi cho biết căng thẳng khiến họ làm việc kém năng suất hơn và 33% cho biết căng thẳng khiến họ ít hào hứng tham gia đóng góp cho tập thể.
- Nhân viên nghỉ việc khiến doanh thu ảnh hưởng. Khi nhân viên nghỉ việc do căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan, người sử dụng lao động phải bù đắp khoản đó. Trong một nghiên cứu của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực về tác động tài chính khi nhân viên nghỉ việc, 75% số người được hỏi cho biết điều này có tác động từ trung bình đến lớn tới năng suất và doanh thu của công ty.
- Căng thẳng gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Trong cuộc khảo sát của Wrike, 54% người được hỏi cho biết không thể ngủ được do căng thẳng từ công việc, 35% cho biết mất bình tĩnh trong công việc và 38% nói rằng họ đã trút áp lực công việc lên các thành viên trong gia đình và bạn bè.
Cách người quản lý có thể giảm bớt căng thẳng cho nhân viên
Có một số cách mà chủ doanh nghiệp và người quản lý có thể áp dụng để giảm thiểu một số yếu tố gây căng thẳng cho nhân viên.
1. Tạo môi trường làm việc an toàn
Harper cho biết một môi trường làm việc an toàn không chỉ là nơi có các thiết bị an ninh hàng đầu, chẳng hạn như camera quan sát và hệ thống kiểm soát ra vào. Một môi trường an toàn cũng nên chú ý đến sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Những người đứng đầu cần làm gương để mọi nhân viên trong công ty luôn đề cao sự tôn trọng lẫn nhau, tạo bầu không khí điềm tĩnh ngay cả trong cơn khủng hoảng. Việc cùng đối thoại và tìm ra giải pháp khi đó sẽ trở nên dễ dàng hơn.
2. Khuyến khích tăng cường vận động
Một kế hoạch chăm sóc sức khỏe nhân viên lâu dài sẽ cho biết bạn quan tâm đến nhân viên của mình như thế nào. Kế hoạch này bao gồm chính sách nghỉ phép được trả lương, phương án làm việc từ xa với thời gian linh hoạt, cung cấp bữa trưa công sở lành mạnh ngay tại công ty… Đặc biệt, hãy khuyến khích nhân viên nghỉ giải lao giữa giờ, đi lại, giãn cơ, tập các động tác thể dục nho nhỏ.
3. Xác định và tinh chỉnh các kỳ vọng
Đặt kỳ vọng rõ ràng về công việc có thể làm giảm căng thẳng của nhân viên bởi nó loại bỏ sự mơ hồ trong rất nhiều khoảnh khắc quyết định hàng ngày. Các nhà quản lý cũng nên thường xuyên kiểm tra và đánh giá khối lượng công việc của nhân viên để đảm bảo không có ai bị đuối sức.
Adam Wood, đồng sáng lập của RevenueGeeks, chia sẻ: “Nếu nhân viên của bạn gặp vấn đề trong việc quản lý khối lượng công việc và có quá nhiều người đang cố gắng làm những việc giống nhau theo các phương pháp khác nhau, thì đã đến lúc bạn cần sắp xếp lại. Thực hiện đánh giá kỹ năng của tất cả nhân viên, xem xét và cập nhật tất cả các mô tả công việc, thiết lập quy trình giới thiệu thống nhất và giao trách nhiệm công việc cho những người phù hợp”.
4. Tạo chương trình đào tạo
Wood lưu ý rằng nhân viên là tài sản kinh doanh quý giá nhất của bạn. Bạn đầu tư bao nhiêu vào đó, bạn sẽ nhận được bấy nhiêu. Chiến thuật đào tạo nhân viên hiệu quả bao gồm các mục tiêu phát triển khả năng lãnh đạo, điều này giúp nhân viên cảm nhận được sự tin tưởng của bạn vào tiềm năng của họ.
Wood nói: “Xác định những nhân sự quan trọng, có năng lực trong công ty, sau đó giúp họ đạt được mục tiêu bằng cách cung cấp các chương trình phát triển và cơ hội giáo dục. Điều này làm giảm căng thẳng của họ vì giờ đây họ có kiến thức cần thiết để hoàn thành công việc một cách xuất sắc”.
5. Thực hành giao tiếp cởi mở.
Cả nhân viên và người quản lý đều có thể giúp giảm bớt căng thẳng tại nơi làm việc bằng cách giao tiếp cởi mở, rõ ràng. Nếu một nhà quản lý chủ động tạo ra chính sách cởi mở và cảm giác tin cậy lẫn nhau, nhân viên có thể cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mối quan tâm của họ.
Ở cương vị nhân viên, bạn hãy trao đổi với sếp cảm nhận về vai trò của mình thay vì giữ nó trong lòng. Ghi lại những thắc mắc cần giải đáp và trao đổi thẳng thắn với bộ phận nhân sự. Loại bỏ mối lo ngại không cần thiết có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng dễ dàng hơn.
Căng thẳng tại nơi làm việc là điều không thể tránh khỏi, nhưng cả nhân viên lẫn người quản lý đều có những lựa chọn để giảm thiểu nó. Để từng bước cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho nhân viên.
(Nguồn: Business News Daily)