Kết quả liên quan - Kinh Doanh

Mục đích duy nhất của kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận. Khi biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và các vấn đề lớn khác tác động đến cộng đồng trên toàn thế giới, các công ty ngày càng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào những điều tốt đẹp hơn.

Trong một nghiên cứu gần đây của Deloitte, 93% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ tin rằng các công ty không chỉ là đơn vị sử dụng lao động mà còn là đơn vị quản lý xã hội. 95% cho biết họ đang có kế hoạch thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề quy mô lớn trong thời gian tới và sẽ dành nguồn lực đáng kể cho các sáng kiến ​​có trách nhiệm với xã hội.

Bài viết này cung cấp góc nhìn dễ hiểu cho thấy tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và 5 ví dụ có thể truyền cảm hứng cho doanh nghiệp của bạn.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì? 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một mô hình kinh doanh trong đó các công ty hoạt động vì lợi nhuận tìm cách tạo ra các lợi ích xã hội trong khi theo đuổi mục tiêu của tổ chức, như tăng trưởng doanh thu và tối đa hóa giá trị của cổ đông.

Nhiều doanh nghiệp lớn đang thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, tạo ra chức danh giám đốc trách nhiệm xã hội hay giám đốc phát triển bền vững (CSO) để quản lý các sáng kiến về xã hội và môi trường. 

Mặc dù CSR có thể khác nhau đối với mỗi tổ chức, nhưng mục tiêu cuối cùng luôn giống nhau: Muốn được tiếng hay thì phải làm điều tốt việc thiện. 

Thay vì chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận, các công ty có trách nhiệm với xã hội còn xem xét tác động của các quyết định kinh doanh đối với con người và sức khỏe của hành tinh.

Không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức có lợi nhuận cao nhất hiện nay cũng là tổ chức có trách nhiệm với xã hội. Dưới đây là 5 ví dụ thành công về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà bạn có thể học hỏi.

Câu chuyện truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

1. Cam kết của Lego về tính bền vững

Là một trong những công ty danh tiếng nhất thế giới, Lego hướng tới mục tiêu không chỉ giúp trẻ em phát triển thông qua hoạt động vui chơi sáng tạo mà còn nuôi dưỡng một hành tinh khỏe mạnh.

Lego là công ty đồ chơi đầu tiên và duy nhất được vinh danh là Đối tác Bảo vệ Khí hậu của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, đánh dấu cam kết giảm thiểu tác động của carbon. Và cam kết về tính bền vững của Lego còn vượt ra ngoài các mối quan hệ đối tác.

Đến năm 2030, hãng đồ chơi này có kế hoạch sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để sản xuất tất cả các sản phẩm cốt lõi và bao bì – và họ đang thực hiện các bước quan trọng để đạt được mục tiêu đó.

Trong năm 2013 và 2014, Lego đã thu nhỏ kích thước hộp của mình xuống 14%, tiết kiệm được khoảng 7.000 tấn bìa cứng. Sau đó, vào năm 2018, công ty đã giới thiệu bộ đồ chơi 150 mảnh ghép được làm từ mía có nguồn gốc bền vững. Công ty gần đây cũng đã cam kết loại bỏ tất cả bao bì nhựa sử dụng một lần khỏi vật liệu của mình vào năm 2025. 

Cùng với những thay đổi này, hãng đồ chơi đã cam kết đầu tư 164 triệu đô la vào Trung tâm Vật liệu Bền vững, nơi các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các vật liệu sinh học có thể được đưa vào quá trình sản xuất.

Thông qua tất cả các sáng kiến trên, Lego đang trên đường giải quyết những thách thức cấp bách về môi trường và đẩy mạnh sứ mệnh giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn.

2. Mô hình từ thiện 1-1-1 của Salesforce

Ngoài việc đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, gã khổng lồ phần mềm dựa trên đám mây Salesforce còn là công ty tiên phong trong lĩnh vực hoạt động từ thiện của doanh nghiệp.

Kể từ khi thành lập, công ty đã gây được tiếng vang với mô hình từ thiện 1-1-1 của mình, bao gồm việc cung cấp 1% sản phẩm, 1% vốn chủ sở hữu và 1% thời gian của nhân viên cho cộng đồng và hoạt động phi lợi nhuận.

Cho đến nay, nhân viên của Salesforce đã thực hiện hơn 5 triệu giờ tình nguyện. Không chỉ vậy, công ty đã trao tới 406 triệu đô la tài trợ và quyên góp cho hơn 40.000 tổ chức phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, thông qua việc hợp tác với các khu học chính tại San Francisco và Oakland, Salesforce đã giúp giảm tỷ lệ học lại môn đại số và góp phần giúp tăng tỷ lệ học sinh nhận điểm A hoặc B trong các lớp khoa học máy tính.

Khi doanh thu của công ty tiếp tục tăng, Salesforce là một ví dụ điển hình để chứng rằng các sáng kiến ​​tạo ra lợi nhuận và tạo ra tác động xã hội không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau.

3. Sứ mệnh xã hội của Ben & Jerry

Tại Ben & Jerry’s, tác động tích cực đến xã hội cũng quan trọng như hoạt động sản xuất kem cao cấp.

Năm 2012, công ty được chứng nhận B-Corp, tức được coi là doanh nghiệp cân bằng giữa mục đích và lợi nhuận bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về hoạt động xã hội và môi trường, minh bạch công khai và có trách nhiệm giải trình trước pháp luật.

Là một phần trong cam kết dẫn đầu với các giá trị tiến bộ, nhà sản xuất kem đã thành lập Quỹ Ben & Jerry vào năm 1985, một tổ chức chuyên hỗ trợ các phong trào cấp cơ sở nhằm thúc đẩy thay đổi xã hội.

Mỗi năm, quỹ trao tặng khoảng 2,5 triệu đô la tài trợ cho các tổ chức ở Vermont và trên khắp nước Mỹ. Những đơn vị nhận tài trợ bao gồm hiệp hội công nhân, nhóm nhân quyền nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tổ chức bảo vệ sức khỏe môi trường có trụ sở tại New York…

Hoạt động của quỹ đã giành được Giải thưởng của Ủy ban Quốc gia về Hoạt động Từ thiện Có trách nhiệm vào năm 2014. 

4. Tác động xã hội của Levi Strauss

Ngoài việc là thương hiệu thời trang thành công hàng đầu trong lịch sử, Levi’s còn là một trong những thương hiệu đầu tiên thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững và tốt cho sức khỏe môi trường.

Năm 1991, thương hiệu đã tạo ra “Điều khoản cam kết”, trong đó thiết lập quy tắc ứng xử toàn cầu liên quan đến chuỗi cung ứng của mình và đặt ra các tiêu chuẩn về quyền của người lao động, môi trường làm việc an toàn và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Để duy trì cam kết của mình trong một thế giới đang thay đổi, Levi’s thường xuyên cập nhật điều khoản cam kết của mình. Năm 2011, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập bộ quy tắc ứng xử, Levi’s đã công bố sáng kiến ​​Sức khỏe người lao động nhằm thực hiện các chương trình mạnh mẽ hơn tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của công nhân thuộc chuỗi cung ứng.

Kể từ năm 2011, sáng kiến ​​đã được mở rộng sang 12 quốc gia và hơn 100.000 người lao động đã được hưởng lợi từ sáng kiến ​​này. Vào năm 2016, thương hiệu đã cam kết sẽ mở rộng chương trình cho hơn 300.000 công nhân và sản xuất hơn 80% sản phẩm của mình trong các nhà máy áp dụng sáng kiến này vào năm 2025.

Vì những nỗ lực không ngừng để duy trì sức khỏe của con người và môi trường, Levi’s đã được vinh danh là một trong những đơn vị chiến thắng Giải thưởng Golden Halo Award năm 2020 của Engage for Good, đây là vinh dự cao quý nhất dành cho các công ty có trách nhiệm với xã hội.

5. Cam kết của Starbucks về nguồn cung ứng

Starbucks đã đưa ra báo cáo trách nhiệm xã hội đầu tiên của công ty vào năm 2002 với mục tiêu trở nên nổi tiếng với các sáng kiến ​​CSR cũng như các sản phẩm của mình. Một trong những cách giúp thương hiệu hoàn thành mục tiêu này là thông qua việc tìm nguồn cung ứng có tiêu chuẩn đạo đức cao.

Vào năm 2015, Starbucks đã xác minh rằng 99% chuỗi cung ứng cà phê của họ đáp ứng điều này. Họ tìm cách tăng con số đó lên 100% thông qua nỗ lực liên tục và quan hệ đối tác với các tổ chức/ nông dân trồng cà phê địa phương.

Thương hiệu đã hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế để tạo ra một trong những bộ tiêu chuẩn đầu tiên về nguồn cung ứng, được gọi là CAFE. Bộ tiêu chuẩn CAFE đánh giá các trang trại cà phê dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và môi trường cụ thể, đảm bảo Starbucks có thể cung cấp sản phẩm của mình trong khi vẫn duy trì tác động xã hội tích cực.

Starbucks đã được Ethisphere vinh danh là một trong những công ty có đạo đức nhất thế giới vào năm 2021.

Thực tế đã chứng minh rằng cam kết sâu sắc về trách nhiệm xã hội có thể giúp doanh nghiệp đạt được danh tiếng lẫn doanh thu đáng mơ ước. Bằng cách học hỏi từ những sáng kiến này và phát triển theo cách của riêng mình, bạn có thể giúp doanh nghiệp của mình phát triển lớn mạnh hơn, ngay cả khi đang phải đối mặt với những thách thức và biến động lớn.. 

(Nguồn: Harvard Business School Online)

Khi thành lập công ty, bên cạnh việc xác định sản phẩm và đối tượng khách hàng, bạn cần quyết định cả mô hình kinh doanh phù hợp.

Hai hình thức kinh doanh B2B và B2C đang mọc lên song song với nhau. Những hình thức này giống và khác nhau ra sao, có ví dụ nào nổi bật để tham khảo? Cùng tìm hiểu nhé. 

B2B là gì?

B2B là viết tắt của “business-to-business” (doanh nghiệp đến doanh nghiệp). Nó mô tả các doanh nghiệp mà khách hàng của họ cũng là doanh nghiệp. Nói cách khác, đó là các giao dịch thương mại diễn ra giữa hai hoặc nhiều tổ chức kinh doanh như nhà cung cấp và nhà sản xuất, nhà sản xuất và nhà bán buôn, nhà bán buôn và nhà bán lẻ.

Một số ví dụ điển hình về các doanh nghiệp B2B bao gồm đại lý quảng cáo, công ty phần mềm, dịch vụ thiết kế đồ họa, nhà sản xuất nội thất văn phòng. Khách hàng, còn được gọi là các công ty khác, mua sản phẩm và dịch vụ từ doanh nghiệp B2B này để sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc phục vụ cho mục đích nội bộ.

B2C là gì?

B2C là viết tắt của từ “business-to-customer” (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Trong hình thức giao dịch thương mại này, hàng hóa và dịch vụ được tiếp thị cho người tiêu dùng cá nhân. Doanh nghiệp B2C bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Giao dịch thương mại ở đây ngắn hơn so với giao dịch B2B.

Là một người tiêu dùng, bạn có thể quen thuộc với B2C hơn B2B. Sự hiện diện của B2C nằm ngay trong giao dịch hàng ngày của bạn. Khi bạn đến cửa hàng Apple để mua điện thoại thông minh hoặc ghé siêu thị mua thực phẩm, đó là B2C.

Phân biệt B2B và B2C

Điểm giống nhau của B2B và B2C

B2B và B2C cũng có những điểm tương đồng nhất định. Vì vậy, trước khi chúng ta đi sâu phân tích sự khác biệt của chúng, hãy nói về những điểm giống nhau.

Marketing B2B và B2C có thể dễ gây nhầm lẫn nhất. Các nhà tiếp thị ở cả B2B và B2C luôn trau dồi khả năng giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Vì vậy các chiến lược tiếp thị trong B2B và B2C phụ thuộc vào đối tượng mục tiêu. Cả hai loại hình đều biết rằng quy trình bán hàng nhất quán và lấy khách hàng làm trung tâm là chìa khóa để giành được khách hàng, đồng thời xây dựng lòng trung thành của khách hàng là mục tiêu bao quát cuối cùng. 

Cho dù bạn là nhà tiếp thị B2B hay nhà tiếp thị B2C, điều cần thiết là phải xác định cá tính của khách hàng (khách hàng cá nhân cho B2C và các công ty cho B2B) để tiếp thị thành công.

Đáng chú ý, ngay từ đầu, cả hai loại hình đều cần đảm bảo có giải pháp cho từng khách hàng đến với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều cốt yếu là phải tiếp tục hành trình với khách hàng, kể cả sau khi bán hàng. Thời điểm này rất lý tưởng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tạo niềm tin cho họ bằng cách cung cấp các dịch vụ hậu mãi tuyệt vời, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng .

Sự khác biệt giữa B2B và B2C

B2B và B2C có rất nhiều điểm khác biệt. Hãy cùng nhau thảo luận về những điểm khác biệt quan trọng.

Đối tượng mục tiêu

Đối tượng của B2C là người tiêu dùng cá nhân mua sản phẩm và dịch vụ cho mục đích cá nhân. Người tiêu dùng thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Họ là khách hàng cuối cùng và không sử dụng các mặt hàng đã mua cho bất kỳ sản phẩm nào khác với mục đích bán hàng sau này.

Đối tượng của B2B hẹp hơn và đặc biệt hơn so với các đối tác của B2C. Các công ty ở mọi quy mô, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các tổ chức mua sản phẩm không phải để sử dụng ngay lập tức. Thay vào đó, họ sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc nội bộ. B2B thường có những khách hàng mang lại giá trị cao hơn B2C vì giao dịch lớn hơn và phức tạp hơn.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất để phân biệt đối tượng mục tiêu của hai hình thức kinh doanh này: Bạn đến chi nhánh của Mercedes Benz để mua xe, thì bạn là khách hàng B2C, Mercedes Benz là công ty B2C. Bạn mở một tiệm sách và đến các nhà xuất bản để mua sách cho tiệm của mình, thì bạn là một khách hàng B2B.

Quá trình ra quyết định

Việc ra quyết định của cả hai bên cũng khác nhau. Quá trình ra quyết định trong B2C thường ngắn hơn trong B2B.

Trong B2B, các nhà tiếp thị phải đối phó với nhiều nhóm mục tiêu/cá nhân riêng biệt trong một doanh nghiệp. Họ phải ghi nhớ rằng sẽ có nhiều người tham gia vào quá trình mua hàng, do đó, quá trình này phức tạp hơn so với B2C. Tùy thuộc vào hình thức mua hàng, việc mua hàng cuối cùng chịu ảnh hưởng của một nhóm ra quyết định có thể bao gồm các thành viên từ các bộ phận kỹ thuật, kinh doanh, tài chính và vận hành.

Ví dụ: Giám đốc mua hàng của một nhà sản xuất ô tô có thể cần phải tham khảo ý kiến ​​của bộ phận tài chính, kỹ thuật và bán hàng trước khi quyết định mua linh kiện từ một nhà cung cấp. Việc mua số lượng lớn có thể cần sự cho phép của cấp hội đồng quản trị.

Trong B2C, quá trình ra quyết định đơn giản hơn nhiều. Đó là giao dịch có tính cá nhân cao hơn và phụ thuộc chủ yếu vào cảm xúc của người mua.

Chiến lược tiếp thị

Mặc dù tiếp thị trong B2B và B2C có thể giống nhau về các phương pháp quảng cáo, khuyến mại và các kênh tiếp thị, nhưng có sự khác biệt về chiến thuật tiếp thị và cách đưa thông tin đến khách hàng.

Trong B2C, chỉ cần quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh hoặc tạp chí trực tuyến là đủ. Tuy nhiên, đối với B2B, điều này có thể không hữu ích khi khách hàng doanh nghiệp thường có cách tiếp cận khác. Ví dụ: Nếu bạn đang bán thực phẩm bổ sung, quảng cáo sản phẩm trên đài phát thanh, kênh truyền hình địa phương hoặc nhật báo sẽ hữu ích vì đối tượng mục tiêu của bạn là những cá nhân có nhu cầu về thực phẩm bổ sung. Ngược lại, nếu bạn là một agency về tuyển dụng nhân sự, khách hàng của bạn là các doanh nghiệp khác và họ thường không tìm kiếm đối tác thông qua việc xem TV hay nghe đài. 

Bên cạnh đó, khách hàng B2B thường lên kế hoạch kỹ lưỡng và tư duy logic hơn so với khách hàng B2C. Khi mua một sản phẩm, khách hàng B2B luôn suy nghĩ cẩn thận về lợi tức đầu tư (ROI) cụ thể. Do đó, điều quan trọng là phải truyền tải cho họ những thông điệp hợp lý và các giải pháp B2B thiết thực. Trong khi đó, yếu tố cảm xúc thường ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng B2C. Vì vậy, thông điệp gửi đến họ nên có cảm xúc hơn và nội dung phải thú vị để thưởng thức. Ví dụ, bạn đang đi dạo trên phố, và đột nhiên một người bán hàng mang một hộp socola đến chào hàng. Ban đầu bạn từ chối mua, nhưng sau khi anh ta hát một bài hát mà bạn thích với giọng hát rất đặc biệt, bạn có thể quyết định mua hộp socola đó một cách vui vẻ.

Tốc độ bán hàng

Các giao dịch B2C thường nhanh hơn B2B vì B2C bán trực tiếp cho khách hàng. Trong B2C, người bán muốn giao dịch diễn ra nhanh nhất có thể. Trong B2B, một giao dịch thường kéo dài thời gian hơn. Như đã đề cập ở trên, có rất nhiều người ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định trong B2B và việc mua hàng cuối cùng phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Vì vậy, để bán được hàng, các doanh nghiệp B2B trải qua nhiều thách thức như nâng cao nhận thức về thương hiệu, nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và thúc đẩy sự tương tác để chuyển khách hàng tiềm năng thành khách hàng. Quá trình này có thể mất đến vài tháng.

Mối quan hệ với khách hàng

Trong hầu hết các trường hợp, B2B có mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng so với B2C. Thị trường B2B nhỏ hơn B2C, quy mô khách hàng tiềm năng trong B2B cũng hẹp hơn so với B2C. Đó là lý do tại sao mức độ cạnh tranh trong B2B cũng cao hơn. Các doanh nghiệp B2B cần phát triển mối quan hệ bền vững với khách hàng của họ. Một khi công ty tạo dựng được niềm tin với khách hàng và mang lại lợi ích cho họ, họ sẽ có được lòng trung thành của khách hàng.

Trong B2C, bạn có xu hướng tạo ra mối quan hệ ít gắn bó hơn với khách hàng và khách hàng cũng ít trung thành hơn trong B2B. Ví dụ điển hình, trong B2C, rất nhiều giao dịch chỉ diễn ra một lần. Hôm nay, khách hàng có thể mặc đồ của một thương hiệu, ngày mai họ có thể mua sản phẩm của thương hiệu khác và có thể không bao giờ quay lại mua hàng cho thương hiệu cũ. 

Hoàn lại vốn đầu tư

Không giống như B2C, người mua B2B không mua hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu của họ hoặc để mua vui. Họ mua công nghệ, phần mềm và dịch vụ để tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Mục đích là giảm thiểu chi phí, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và cuối cùng là tăng doanh thu. Do đó, một giao dịch B2B là một khoản đầu tư vào lợi nhuận và năng suất trong tương lai.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, nhiều công ty đã và đang chuyển đổi để áp dụng cả hai hình thức kinh doanh B2B và B2C. Ví dụ điển hình là Google, phục vụ cả khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp khác.

Hy vọng rằng bài viết này cung cấp thông tin hữu ích về B2B và B2C để bạn có thể hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng, từ đó lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp của mình. 

(Nguồn: Mageplaza)

Trình bày ý tưởng kinh doanh là một trong những phần khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp của bất kỳ doanh nhân nào. Cách trình bày không khéo léo có thể cản trở tầm nhìn của bạn và bỏ lỡ cơ hội kêu gọi nguồn tài chính cần thiết để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. 

Dù khó khăn nhưng bạn có thể thực hiện các bước dưới đây để đảm bảo cơ hội thành công lớn hơn.

1. Biết rõ bạn đang trình bày với ai

Một số doanh nhân cố gắng tiếp cận với càng nhiều nhà đầu tư càng tốt. Dù lĩnh vực bạn cần kêu gọi đầu tư thực sự không phù hợp với họ hoặc giai đoạn đầu tư chưa hợp lý. Chúng ta cần hiểu một điều rằng một khi đã chấp nhận một khoản đầu tư, vấn đề không chỉ liên quan đến tiền bạc. Đó là một mối quan hệ đối tác. Do đó, bạn phải thực hiện thẩm định và nghiên cứu các nhà đầu tư tiềm năng trước khi kêu gọi đầu tư.

Khi nghiên cứu, hãy tự hỏi:

  • Họ đầu tư vào những ngành nào? Một số công ty tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Rethink Education là một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục ở giai đoạn đầu và giai đoạn tăng trưởng, trong khi Blockchain Capital chỉ tài trợ cho các công ty tiềm năng trong thị trường tiền điện tử. 
  • Họ đầu tư vào giai đoạn nào? Nếu bạn đang trong giai đoạn mới bắt đầu, bạn sẽ không nhận được vốn chủ sở hữu tăng trưởng – dành cho các công ty “cứng cáp” hơn đang cần vốn để mở rộng hoạt động, thâm nhập thị trường mới hoặc mua lại một doanh nghiệp khác. Trước khi đi “chào hàng” ý tưởng của mình, bạn nên ước tính sơ bộ về số tiền và nguồn lực bạn cần để tung ra thị trường, sau đó liên kết với các nhà đầu tư có thể trợ giúp trong giai đoạn cụ thể.
  • Hồ sơ theo dõi của nhà đầu tư như thế nào? Tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm và lịch sử đầu tư của nhà đầu tư để xác định kiến ​​thức nền tảng mà họ có thể đã có và liệu doanh nghiệp của bạn có phù hợp hay không. Thông tin này sẽ cho phép bạn điều chỉnh cách trình bày ý tưởng và xác định xem đây có phải là người/quỹ phù hợp để hợp tác hay không.

2. Trình bày về bản thân, không chỉ ý tưởng

Mặc dù ý tưởng và kỹ năng rất quan trọng, nhưng tính cách của bạn cũng quan trọng không kém. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh doanh Harvard, sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm đối với một công ty khởi nghiệp thường dành cho tính cách và mức độ đáng tin của nhà sáng lập, nhiều hơn cả năng lực của người đó. 

Các nhà đầu tư cũng muốn biết họ đang tham gia hợp tác với những người phù hợp. Jennifer Fonstad, đồng sáng lập của Aspect Ventures, thừa nhận trên tờ Entrepreneurship Essentials rằng công ty đầu tư của bà đặc biệt chú ý đến động lực của nhóm sáng lập. Họ muốn biết liệu những người sáng lập đã làm việc cùng nhau trước đây hay chưa, liệu những người được tuyển dụng ban đầu của công ty khởi nghiệp có các kỹ năng bổ sung hay không, liệu bạn có linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng chấp nhận các quan điểm khác nhau hay không.

Hãy nghĩ về điều này khi bạn chuẩn bị trình bày ý tưởng kinh doanh. Nếu các nhà đầu tư hỏi xoáy, bạn có phòng thủ không? Khi họ yêu cầu các dự báo tài chính, bạn có định phóng đại các con số không? Hy vọng rằng câu trả lời của bạn là “Không”, vì bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn hợp tác với những người trung thực mà họ có thể tin tưởng.

3. Kể một câu chuyện

Khi mô tả ý tưởng kinh doanh, hãy tập trung vào vấn đề bạn đang giải quyết và cách bạn giải quyết nó tốt hơn đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể làm điều này bằng cách trình bày một tình huống thực tế, trong đó bạn mô tả điểm khó khăn mà khách hàng hiện tại hoặc tương lai phải đối mặt và cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn khắc phục vấn đề. Điều này có thể giúp thu hút các nhà đầu tư ở góc độ cá nhân và truyền cảm hứng để họ thấy tiềm năng của ý tưởng.

Bằng cách bổ sung một câu chuyện hấp dẫn, bạn có thể vẽ nên bức tranh toàn cảnh hơn về tương lai của công ty khởi nghiệp và làm nổi bật cơ hội trên thị trường một cách hiệu quả hơn.

4. Đi vào chi tiết

Có thể bạn đang kêu gọi đầu tư cho giai đoạn ban đầu, nhưng hãy cố gắng bao gồm cả những chi tiết cụ thể trong tài liệu gửi các nhà đầu tư. Xác định ngắn gọn đề xuất của bạn và chia sẻ khẩu hiệu (tagline) đáng nhớ để các nhà đầu tư suy nghĩ về nó sau khi rời khỏi cuộc họp. Hãy truyền tải chi tiết:

  • Quy mô của thị trường
  • Kế hoạch thu hút và giữ chân khách hàng
  • Cách bạn chạy các chương trình thử nghiệm nhanh chóng, ít tốn kém để xác định sự phù hợp với thị trường sản phẩm
  • Kế hoạch kiếm tiền từ doanh nghiệp và tạo ra doanh thu
  • Số vốn đầu tư cần thiết

Các nhà đầu tư không thích những dự đoán thiếu thực tế. Do đó, đừng bỏ lỡ cơ hội trình bày những điểm chi tiết chứng minh tính khả thi của ý tưởng. 

5. Vẽ lộ trình

Mặc dù bạn đang ở giai đoạn đầu của doanh nghiệp, nhưng các nhà đầu tư muốn biết cuối cùng họ sẽ kiếm tiền bằng cách nào. Để cố gắng thuyết phục, hãy làm nổi bật chiến lược rút lui (kế hoạch khi kinh doanh không thuận lợi) bằng các phương án dễ lựa chọn. 

Các chiến lược rút lui phổ biến nhất bao gồm:

  • Mua lại: Khi một công ty mua hầu hết hoặc tất cả cổ phiếu của công ty khác để giành quyền kiểm soát
  • Sáp nhập: Khi hai công ty hiện tại hợp nhất thành một công ty mới
  • Phát hành công khai lần đầu (IPO): Khi một công ty tư nhân phát hành đợt bán cổ phiếu đầu tiên ra công chúng và có thể bắt đầu huy động vốn từ các nhà đầu tư đại chúng

Mỗi nhà đầu tư ưu tiên các dữ liệu và thông tin khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu bằng cách chọn đúng nhà đầu tư và sau đó điều chỉnh nhu cầu của họ với cơ hội thị trường, đề xuất giá trị doanh nghiệp và chiến lược rút lui hợp lý, bạn sẽ có cơ hội thành công. 

(Nguồn: Harvard Business School Online)

Các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) đầu tư vào các công ty mới thành lập hoặc đang trong giai đoạn đầu kinh doanh để đổi lấy quyền sở hữu vốn cổ phần. Hình thức đầu tư này đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Câu chuyện thành công của các công ty khởi nghiệp như Uber, WhatsApp, Facebook đã thúc đẩy các nhà đầu tư thiên thần đặt cược nhiều lần với hy vọng thu được lợi nhuận vượt trội. 

Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp từ các doanh nhân về đầu tư thiên thần. 

1. Các nhà đầu tư thiên thần đầu tư bao nhiêu vào một công ty?

Đầu tư thiên thần điển hình là 25.000 đến 100.000 đô la cho một công ty, nhưng có thể cao hơn.

2. Điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư thiên thần là gì?

Đây là 6 điều mà các nhà đầu tư thiên thần đặc biệt quan tâm:

  • Phẩm chất, niềm đam mê, tính cam kết và sự chính trực của những người sáng lập.
  • Cơ hội thị trường và tiềm năng để công ty phát triển mạnh.
  • Kế hoạch kinh doanh được suy tính kỹ càng và có sức hấp dẫn. 
  • Công nghệ hoặc tài sản trí tuệ thú vị.
  • Định giá phù hợp với các điều khoản hợp lý.
  • Khả năng huy động các nguồn tài trợ bổ sung.

3. Ban đầu các nhà đầu tư thiên thần muốn nhìn thấy gì từ một doanh nhân?

  • Ý tưởng kinh doanh được trình bày rõ ràng.
  • Một bản tóm tắt ý tưởng kinh doanh.
  • Một nguyên mẫu hoặc mô hình của sản phẩm/dịch vụ được đề xuất.
  • Khách hàng hoặc những người sử dụng sản phẩm sớm.

4. Sẽ mất bao lâu để kêu gọi được vốn đầu tư?

Nguyên tắc chung là quá trình huy động vốn từ nhà đầu tư thiên thần sẽ luôn mất nhiều thời gian hơn và khó khăn hơn mức bạn kỳ vọng. Bạn không chỉ cần tìm đúng nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực của mình mà còn phải trải qua các cuộc họp, thẩm định, đàm phán về các điều khoản, v.v. Huy động vốn có thể là một quá trình rất tốn thời gian.

5. Những câu hỏi tài chính nào mà doanh nhân nên lường trước từ các nhà đầu tư thiên thần?

  • Bạn đang huy động số vốn bao nhiêu?
  • Số vốn đó tồn tại bao lâu?
  • Tỷ lệ đốt tiền (burn rate)hàng tháng của bạn sẽ là bao nhiêu?
  • Bạn có dự tính chi tiết về tài chính trong hai năm tới không?
  • Cơ sở cho các dự tính của bạn là gì?
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ có những thành phần chi phí chính nào?
  • Biên lợi nhuận gộp có thể là bao nhiêu?

6. Những câu hỏi nào mà doanh nhân nên dự đoán về hoạt động tiếp thị và thu hút khách hàng?

Nhà đầu tư thiên thần sẽ muốn biết kế hoạch tiếp thị của công ty, chi phí để có được khách hàng và giá trị lâu dài của khách hàng. Vì vậy, doanh nhân nên chuẩn bị cho những câu hỏi sau:

  • Kế hoạch tiếp thị cho sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình như thế nào?
  • Chiến lược PR của doanh nghiệp là gì?
  • Chiến lược truyền thông xã hội của công ty là gì?
  • CAC (chi phí doanh nghiệp cần đầu tư và chi trả để sở hữu được một khách hàng) là bao nhiêu?
  • Bạn sẽ làm quảng cáo gì?
  • Chu kỳ bán hàng điển hình giữa lần tiếp xúc với khách hàng đầu tiên và kết thúc đợt bán hàng là gì?

7. Doanh nhân nên mong đợi những câu hỏi nào liên quan đến đội ngũ quản lý và những người sáng lập?

  • Những người sáng lập, thành viên chủ chốt trong nhóm là những ai?
  • Nhóm có kinh nghiệm chính nào?
  • Những bổ sung quan trọng nào cho đội ngũ là cần thiết trong ngắn hạn?
  • Bạn có bao nhiêu nhân viên?
  • Động lực của những người sáng lập là gì?
  • Bạn dự định mở rộng quy mô công ty như thế nào trong 12 tháng tới?

8. Đầu tư thiên thần rủi ro như thế nào?

Nó rất rủi ro và một nhà đầu tư thiên thần sẽ chỉ đầu tư nếu anh ta cảm thấy thoải mái với khả năng mất tất cả khoản đầu tư của mình.

9. Làm thế nào để tìm thấy các nhà đầu tư thiên thần?

Có nhiều cách khác nhau để tìm nhà đầu tư thiên thần, bao gồm thông qua:

  • Doanh nhân
  • Luật sư và kế toán
  • Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần (các nhóm tổng hợp các nhà đầu tư cá nhân)
  • Các nhà đầu tư mạo hiểm và chủ ngân hàng đầu tư
  • Các trang web  huy động vốn cộng đồng 

Cách tốt nhất để tìm một nhà đầu tư thiên thần là một lời giới thiệu chắc chắn từ đồng nghiệp hoặc bạn bè của họ. Sử dụng LinkedIn để tạo kết nối có thể hữu ích.

10. Liệu các nhà đầu tư thiên thần có ký thỏa thuận bảo mật thông tin không?

Không. Các nhà đầu tư thiên thần nhìn thấy quá nhiều giao dịch và bạn không muốn áp đặt rào cản để ngăn một nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đến công ty của bạn. Doanh nhân sẽ phải cẩn thận và không tiết lộ thông tin có tính bảo mật cao.

Dù có nhiều điểm rủi ro, nhưng các doanh nhân có thể lạc quan về việc huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, vì những câu chuyện thành công được công bố rộng rãi đang khuyến khích nhiều nhà đầu tư thiên thần rót vốn cho các công ty khởi nghiệp.

Bạn còn câu hỏi nào khác liên quan đến đầu tư thiên thần không? Đặt câu hỏi ở ngay dưới phần bình luận nhé. 

(Nguồn: All Business)

Nếu bạn quyết định theo đuổi con đường kinh doanh, bước đầu tiên là phải nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh khả thi. Để ý tưởng này trở thành hiện thực và mang lại doanh thu, nó cần đáp ứng nhu cầu thị trường theo một cách sáng tạo.

Hãy nghĩ về một vài sản phẩm yêu thích của bạn. Chúng đáp ứng những nhu cầu nào của khách hàng mà các sản phẩm đối thủ không làm được? Cơ hội kinh doanh tốt nằm ở đó, ở nhu cầu chưa được đáp ứng trên thị trường.

5 bước xác định nhu cầu trên thị trường

1. Hiểu lý thuyết Jobs To Be Done

Jobs To Be Done (JTBD) là tập hợp những lý thuyết giúp người làm sản phẩm dễ dàng khám phá và thấu hiểu mối tương quan giữa khách hàng với sản phẩm, những mong muốn hoặc động cơ sâu xa của họ.

Lý thuyết được phát triển bởi Giáo sư Clayton Christensen của Trường Kinh doanh Harvard, cho rằng khách hàng không mua sản phẩm chỉ dựa trên các thuộc tính của chúng, mà là “thuê” sản phẩm để hoàn thành các “công việc” (job) mà họ cần. Do đó, khởi đầu tốt để xác định nhu cầu chưa được đáp ứng là xem xét thị trường thông qua lăng kính của lý thuyết này: “các công việc cần thực hiện”. 

Ví dụ: Một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nhận thấy phần lớn sữa lắc được bán trước 8h30 sáng và khách hàng thường không mua thêm bất kỳ mặt hàng nào khác. Thay vì xem xét các thuộc tính của người tiêu dùng để giải thích hành vi mua hàng của họ (điều gì ở những người này khiến họ chỉ mua sữa lắc vào sáng sớm?). Chuỗi cửa hàng tập trung vào việc tìm ra “công việc” mà sữa lắc đã được trả tiền để làm giúp những người này mỗi ngày. 

Sau khi hỏi một số khách quen, “công việc” đó trở nên rõ ràng: Sữa lắc là thứ giúp cho mọi người cảm thấy no và nhâm nhi cho vui miệng trong suốt quá trình làm việc buổi sáng. Họ trả tiền cho sữa lắc để thực hiện mục đích đó. 

Khi nghĩ đến nhu cầu của thị trường, lời khuyên là đừng cố gắng không tập trung vào những sản phẩm mà mọi người muốn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những công việc cần phải hoàn thành.

2. Khám phá nội tâm

Khi tìm kiếm “jobs to be done”, bản thân bạn có thể là nguồn đầu tiên để xem xét.

Xác định những công việc bạn cố gắng hoàn thành hàng ngày, có thể bao gồm từ “đón con đi học về”, “ngăn món xào không dính chảo” đến “giết thời gian trong khi chờ đợi ở nhà hàng”. Danh sách của bạn có thể sẽ dài, và vì thế mọi người thường trả tiền cho vô số sản phẩm và dịch vụ để thực hiện một số lượng lớn công việc mỗi ngày.

Chú ý những gì bạn cảm thấy vướng mắc. Có công việc nào bạn cố gắng hoàn thành, nhưng không hài lòng với sản phẩm mà bạn đã trả tiền để thực hiện nó? Ví dụ, có thể chiếc nệm bạn đã trả tiền để giúp bạn có một giấc ngủ ngon không thực sự làm tốt nhiệm vụ.

Tự vấn bản thân có thể tạo nền tảng cho việc khám phá ra “jobs to be done” của những người khác. 

3. Tiến hành phỏng vấn

Bước tiếp theo để phát hiện ra nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng là phỏng vấn những người khác. Nếu đã có ý tưởng, bạn có thể tập trung các cuộc phỏng vấn này vào nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu theo nhân khẩu học. Nếu không, hãy nói chuyện với mọi người ở nhiều độ tuổi, giới tính, chủng tộc, điều kiện kinh tế xã hội và nhân khẩu học để đảm bảo quan sát được ở nhiều góc nhìn khác nhau.

Hãy hỏi họ về động lực đằng sau những lựa chọn nhất định. Ví dụ: Tại sao họ mua sữa lắc trước 8h30 sáng mỗi ngày?

Các cuộc phỏng vấn của bạn có thể khẳng định hoặc phủ nhận bất kỳ giả thuyết nào mà bạn đã đưa ra trong quá trình khám phá nội tâm của mình. Bạn có phải là người duy nhất gặp rắc rối với chiếc spatula khi nấu ăn và mỗi lần xào nấu đều dính chảo? Có những bậc cha mẹ nào khác ngoài kia đang tìm kiếm một sản phẩm tốt hơn để giữ trẻ con ngồi yên trong phòng chờ máy bay? Bạn sẽ không biết cho đến khi bạn đặt câu hỏi.

4. Xác định và kiểm tra các đối thủ cạnh tranh

Sau khi đặt câu hỏi cho bản thân và người khác, hãy chọn một hoặc hai ý tưởng có vẻ hứa hẹn. Bạn đã phát hiện ra một “job to be done” – giờ là lúc để xem liệu một công ty hiện tại trên thị trường có đáp ứng được “công việc” đó hay không.

Quay trở lại ví dụ về sữa lắc, bạn có thể liệt kê tất cả các chuỗi thức ăn nhanh khác bán sữa lắc là đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra còn có một nhóm đối thủ cạnh tranh thường bị bỏ qua: những sản phẩm cũng có thể được thuê để thực hiện công việc tương đương, nhưng không giống hệt sản phẩm của bạn. Chẳng hạn như ngoài sữa lắc thì các món như cà phê, thanh chocolate hay bánh doughnut cũng có thể được trả tiền để thực hiện công việc giữ cho ai đó ở trạng thái no và không buồn miệng trong suốt quá trình đi làm vào buổi sáng của họ. Đảm bảo xem xét công việc sẽ được thực hiện một cách sáng tạo và đưa ra danh sách các hạng mục thay thế mà người tiêu dùng có thể trả công để hoàn thành công việc.

Tiếp theo, nghiên cứu điểm mạnh và điểm yếu của từng đối thủ cạnh tranh, một lần nữa tập trung vào mức độ hoàn thành công việc của họ. Ví dụ, mua một chiếc bánh ngọt để nhâm nhi khi làm việc sẽ khiến bạn no bụng và bận rộn, nhưng nó không thuận tiện để cầm trên tay đi lại hoặc có thể làm bẩn bàn làm việc. Trong khi đó, sữa lắc được phục vụ trong cốc, rất gọn gàng, sạch sẽ và tiện mang theo người. Bước này có thể yêu cầu nghiên cứu thị trường nhiều hơn, bao gồm phỏng vấn những người đã mua sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ.

Phân tích điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh có thể tiết lộ lỗ hổng trong sản phẩm/dịch vụ của họ. Đây là cách để bạn biết được nhu cầu của thị trường hiện chưa được đáp ứng và để ngỏ một cánh cửa tiềm năng.

5. Luôn luôn quan sát

“Các công việc cần thực hiện” vẫn tồn tại theo thời gian. Bằng cách luôn luôn quan sát, bạn có thể điều chỉnh sản phẩm của mình bằng những tiến bộ công nghệ hoặc tư duy đột phá để tiếp tục đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, hãy theo dõi các “công việc” mới xuất hiện mà doanh nghiệp của bạn có thể giải quyết. Lấy ví dụ, đại dịch COVID-19 đã khơi mào cho một loạt công việc mới phải thực hiện, từ nhu cầu tương tác với những người khác qua video đến nhu cầu sở hữu một cặp kính không mờ khi đeo khẩu trang. 

Lý thuyết Jobs To Be Done của Christensen có thể hoạt động như một khuôn khổ hữu ích để khám phá các nhu cầu thị trường chưa được phục vụ. Bằng cách xác định và điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ của bạn cho phù hợp với “các công việc cần thực hiện”, bạn có thể bắt đầu hành trình kinh doanh của mình một cách suôn sẻ hơn.

(Nguồn: Harvard Business School Online)

Kinh doanh tiềm ẩn đầy rủi ro nhưng hoàn toàn xứng đáng để nỗ lực. Theo khảo sát từ nền tảng khóa học trực tuyến Entrepreneurship Essentials, 50% công ty khởi nghiệp tồn tại được 5 năm và chỉ 25% sống sót sau 15 năm.

Nếu bạn đang khám phá tinh thần kinh doanh hoặc trong giai đoạn khởi động một dự án kinh doanh, những câu chuyện truyền cảm hứng dưới đây sẽ giúp bạn tránh những cạm bẫy phổ biến và khám phá những quyết định ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty. 

1. Adi Dassler và Adidas

Một số thương hiệu lớn nhất hiện nay bắt đầu một khởi đầu vô cùng khiêm tốn. Adolf “Adi” Dassler, nhà sáng lập Adidas là minh chứng sống cho điều này. 

Sự nghiệp đóng giày của Dassler bắt đầu trong phòng vệ sinh ở nhà mẹ, tại một thị trấn nhỏ ở Bavaria, Đức. Chính tại nơi không ngờ nhất đó, Dassler bắt đầu thiết kế, sản xuất giày và khao khát tạo ra một đôi giày thể thao tốt nhất có thể cho các vận động viên.

Dù có rất nhiều thợ đóng giày vào thời điểm đó, Dassler dần trở nên nổi bật trên thị trường bằng cách thu thập phản hồi từ các vận động viên về những gì họ tìm kiếm ở một đôi giày, những điểm đau (paint points) có thể được cải thiện và cảm nhận của họ về những mẫu giày ban đầu của ông.

Phản hồi này cho phép Dassler tạo ra một đôi giày thể thao được khách hàng đánh giá cao và giúp ông đăng ký hợp pháp công ty “Adi Dassler Adidas Sportschuhfabrik” vào năm 1949 khi 49 tuổi. Cùng năm đó, chiếc giày đầu tiên có ba sọc – biểu tượng nổi danh của Adidas về sau – đã được đăng ký bản quyền.

Tầm nhìn của Dassler trong việc tạo ra đôi giày tốt nhất cho các vận động viên đã được chứng minh vào năm 1954 khi đội tuyển bóng đá quốc gia Đức giành chiến thắng trong trận chung kết World Cup trước đội Hungary – khi đang mặc mẫu giày mới của Adidas.

“Chiến thắng không thể tin được của họ sẽ vang danh khắp thế giới trong nhiều thập kỷ tới”, Adidas tuyên bố trên trang web của mình , “Điều đó khiến Adidas và nhà sáng lập trở thành cái tên quen thuộc trên các sân bóng ở khắp mọi nơi”.

Đúng như lời tuyên bố, Adidas đã phát triển thành một thương hiệu quốc tế nổi tiếng về giày và trang phục thể thao chất lượng cao. Câu chuyện của Dassler làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc lắng nghe khách hàng mục tiêu về ước mơ, nhu cầu và điểm đau của họ.

“Bí quyết thành công của Adi Dassler có thêm một yếu tố cá nhân: Ônh đã gặp gỡ các vận động viên, lắng nghe cẩn thận những gì họ nói, liên tục quan sát những gì có thể cải thiện hoặc thậm chí có thể phát minh để hỗ trợ nhu cầu của họ”, trang web của Adidas thông tin thêm. 

2. Whitney Wolfe Herd và Bumble

Từng là nhân viên tại công ty ứng dụng hẹn hò Tinder và trải qua một mối quan hệ độc hại (bị bạo hành) vào năm 2014, Whitney Wolfe Herd đã kết hợp những trải nghiệm cá nhân này để tạo ra ứng dụng hẹn hò đầy quyền năng dành cho phụ nữ.

Theo cô, dù đạt được nhiều thành công trong công việc và dần khẳng định được quyền lực công bằng của mình đối với phái mạnh, phụ nữ vẫn còn vướng phải nhiều định kiến liên quan đến việc hẹn hò. Cô nghĩ: “Điều gì xảy ra nếu phụ nữ chủ động và gửi tin nhắn đầu tiên cho đối tượng muốn hẹn hò?” 

Với suy nghĩ này, Wolfe Herd cùng vài đồng đội thiết kế nên một ứng dụng hẹn hò với tính năng vuốt chọn tương tự Tinder nhưng trao đặc quyền cho phụ nữ: Chỉ có họ mới được phép bắt chuyện trước. 

Ý tưởng này đã gây được chú ý với đông đảo sinh viên đại học, giúp ứng dụng Bumble đạt 100.000 lượt tải xuống trong tháng đầu tiên.

Khi tệp người dùng mở rộng, Wolfe Herd vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục, tiếp xây dựng các tính năng trong ứng dụng để chặn những phát ngôn tiêu cực và làm mờ hình ảnh không phù hợp. Wolfe Herd và nhóm của cô cũng đã vận động bang Texas – nơi công ty đặt trụ sở chính – để thông qua luật cấm gửi những bức ảnh nhạy cảm không theo yêu cầu, được thông qua vào năm 2019.

“Tôi không muốn gì hơn là giúp cho các mối quan hệ của mọi người trở nên lành mạnh và có ý nghĩa”, nhà sáng lập Bumble chia sẻ. 

Câu chuyện của Wolfe Herd như một lời nhắc nhở hãy sử dụng cuộc sống của chính bạn để lấy cảm hứng kinh doanh. Hãy sử dụng mục tiêu mà bạn quan tâm để tạo sự khác biệt cho sản phẩm và thương hiệu của mình trong một thị trường bão hòa.

3. Melanie Perkins và Canva

Năm 2007, Melanie Perkins đang làm công việc bán thời gian trong thời gian học tập ở Perth, Australia. Cô nhận việc dạy sinh viên cách sử dụng phần mềm thiết kế cho máy tính để bàn. Phần mềm này có giá cao, phức tạp và tốn kém chi phí hướng dẫn sử dụng, khiến Perkins đặt câu hỏi, “Có phương án thiết nào nào đơn giản và ít tốn kém hơn không?”.

Mục tiêu của Perkins là tạo ra một công cụ thiết kế trực tuyến, đơn giản, giá cả phải chăng. Ban đầu, cô bị hơn 100 nhà đầu tư từ chối và phải mất ba năm chật vật để nhận được khoản đầu tư đầu tiên cho ứng dụng Canva. 

Perkins tự phân tích rằng khoản đầu tư này đến nhờ sự thay đổi trong chiến lược kêu gọi đầu tư của mình. Cô đã trình bày bắt đầu từ vấn đề đang tồn tại mà Canva muốn giải quyết.

Ngày nay, 60 triệu khách hàng tại hơn 190 quốc gia đang sử dụng Canva để tạo ra các thiết kế nhanh chóng và đẹp mắt.

Câu chuyện của Perkins phản ánh tầm quan trọng của việc truyền đạt hiệu quả giá trị của một ý tưởng kinh doanh, cũng như sự bền bỉ cần thiết để thành công trên thương trường.

4. Neil Blumenthal, Dave Gilboa, Andy Hunt và Jeff Raider và Warby Parker

Một ví dụ được đề cập trong Entrepreneurship Essentials là của công ty kính mắt trực tuyến sáng tạo Warby Parker. Năm 2008, Blumenthal, sinh viên MBA của trường Wharton đã làm mất kính nhưng không muốn mua một cặp kính mới vì chi phí quá cao. Anh cũng không tiện ghé cửa hàng kính.

Ý tưởng đến với anh vào lúc nửa đêm, và anh lập tức gửi email cho ba người bạn –  Gilboa, Hunt và Raider: Tại sao không thành lập một công ty trực tuyến để bán kính thuốc với giá cả phải chăng?

Họ bắt đầu triển khai ý tưởng và thương hiệu Warby Parker đã sẵn sàng ra mắt ngay sau khi bốn người sáng lập tốt nghiệp với bằng MBA vào mùa xuân năm 2010. Tạp chí GQ đã liên hệ với Blumenthal để viết một bài báo sẽ được xuất bản vào ngày 15 tháng 2 năm đó. Nhờ cột mốc đó, những người sáng lập đã đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và tung ra trang web của Warby Parker cùng ngày bài báo được in.

Bài báo gọi Warby Parker là “Netflix của kính mắt”, thu hút một lượng lớn khách hàng truy cập trang web. Đến lúc này những người sáng lập mới nhận là một sai lầm là mình đã quên thêm chức năng “đã bán hết” vào trang web. Danh sách chờ cho kính mắt Warby Parker đã tăng lên 20.000 người và công ty đã đạt được mục tiêu doanh số của năm đầu tiên chỉ trong ba tuần.

Blumenthal nói trong một cuộc phỏng vấn với Inc :“Đó là khoảnh khắc cực kỳ hoảng loạn nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi cung cấp dịch vụ tuyệt vời, viết email cá nhân hóa để xin lỗi và giải thích với khách hàng. Điều đó thực sự tạo nên tiếng vang về cách Warby Packer điều hành dịch vụ khách hàng.”

Một số điều khiến Warby Parker trở nên khác biệt với thị trường kính mắt vào thời điểm đó:

  • Mô hình trực tuyến: Một cách mới để phân phối sản phẩm quen thuộc.
  • Giá cả phải chăng: Một cặp kính bao gồm cả gọng và mắt kính có giá khoảng 95 đô la – rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu khác vào thời điểm đó.
  • Chương trình dùng thử tại nhà: Ý tưởng này cho phép khách hàng thử 5 cặp kính và gửi lại những cặp mà họ không muốn mua.
  • Cam kết tặng lại: Đối với mỗi cặp kính được mua, Warby Parker sẽ tặng một cặp cho người cần nó. 

Đến năm 2019, Warby Parker đã quyên tặng hàng triệu cặp kính mắt và tiếp tục là một ví dụ điển hình về sự đổi mới khi cung cấp mặt hàng quen thuộc. 

Tại sao phải học hỏi từ các ví dụ điển hình? 

Đọc về những thử thách, khó khăn, nguồn ý tưởng và cách gặt hái thành công của các doanh nhân khác là cách hiệu quả để nhìn sâu hơn về trải nghiệm của chính bạn. Bạn nhận thấy có điểm gì chung trong các câu chuyện kể trên? Hãy thử trả lời câu hỏi này nhé. 

(Nguồn: Harvard Business School Online)