LÃNH ĐẠO

LÃNH ĐẠO: Bạn có hiểu nhầm về vai trò của nhà lãnh đạo?

Khi bạn chọn trở thành một nhà lãnh đạo, tất cả mọi người sẽ dõi theo từng cử chỉ, hành động và lời nói của bạn. Đôi khi họ bắt chước những gì bạn đang làm. Đôi khi họ yêu cầu bạn hướng dẫn để làm theo. Có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, bạn chính là người có sức ảnh hưởng lớn đến kết quả sau cùng của tập thể. 

Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra là rất nhiều nhà lãnh đạo đôi khi hiểu nhầm vai trò của chính mình và điều đó sẽ hạn chế hiệu quả công việc. Dưới đây là 6 hiểu nhầm phổ biến của các nhà lãnh đạo mà bạn có thể xem xét.

6 hiểu nhầm về vai trò của lãnh đạo

1. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là đem lại kết quả mỗi ngày.

Bạn đo lường thành công bằng các tiêu chuẩn ngắn hạn như sản lượng hàng ngày hoặc hạn ngạch hàng tháng. Bạn giám sát hoạt động của mình và của từng người trong nhóm, thường xuyên kiểm tra để giữ cho mọi thứ tuân theo đúng kế hoạch vạch ra về hiệu suất. 

2. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là trở thành người hiểu biết nhất, có năng lực cao nhất và nhiều kinh nghiệm nhất trong nhóm. 

Bạn là người giải quyết vấn đề, luôn sẵn sàng xông pha xử lý các nhiệm vụ khó khăn và “dọn dẹp” đống lộn xộn đang bày ra trước mắt. Bạn thích thể hiện vốn hiểu biết của mình. Và đôi khi, bạn sẵn sàng bác bỏ các ý kiến của người khác vì nghĩ rằng họ chưa đủ kinh nghiệm.

3. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là duy trì hiện trạng. 

Bạn tin rằng “Nếu thứ gì đó không hỏng, đừng sửa nó”. Tất cả mọi người trong nhóm đều có rất nhiều việc phải làm, và mọi thứ đang ở mức tốt. Vì vậy, tại sao phải thực hiện những thay đổi khiến cả nhóm làm việc chậm lại hoặc mất tập trung vào công việc được giao? 

4. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là giữ môi trường làm việc ôn hòa. 

Bạn đưa ra quyết định công bằng và hợp lý dựa trên tiền lệ. Bạn tránh những xung đột và mong đợi điều tương tự ở người khác. Bạn không muốn mạo hiểm, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến thay đổi hoặc gián đoạn. 

5. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là tiếp tục thực hiện kế hoạch. 

Bạn lần lượt làm theo danh sách công việc đã lên sẵn, đảm bảo nhân viên luôn tuân thủ chính sách, cẩn thận lắng nghe quản lý ở cấp cao hơn và làm theo hướng dẫn. Bạn không đi lệch khỏi kế hoạch của họ, cũng không thắc mắc về kế hoạch đó.

6. Bạn nghĩ nhiệm vụ của mình là kiểm soát nhân viên tuyệt đối

Hầu hết những nhà lãnh đạo đều mong muốn cấp dưới đều có thể tuân thủ mình tuyệt đối. Nhưng đôi khi sự kiểm soát gắt gao lại mang lại những kết quả tồi tệ. Việc kiểm soát gắt gao có thể khiến nhân viên có sự tuân thủ ngoài mặt nhưng không có sự gắn kết với nhà quản lý. Khi không cảm thấy có sự gắn kết, họ có thể không tích cực hoặc không làm theo kế hoạch mà bạn đã đưa ra.

Tóm lại

Không có hành vi nào trong 6 hành vi kể trên bị dán nhãn là hành vi “xấu” hoặc “sai trái”. Chúng chỉ đơn giản không phải là hành vi nên có ở những nhà lãnh đạo. 

Nhà lãnh đạo đích thực luôn làm điều khác biệt. Họ nghĩ về mục tiêu dài hạn và bức tranh rộng lớn hơn. Họ thúc đẩy nhân viên vượt qua giới hạn tư duy và khả năng của chính mình. Họ cố gắng khám phá những cách làm mới và thách thức hiện trạng. 

Các nhà lãnh đạo xem cạnh tranh lành mạnh và rủi ro là bước đệm cho những điều tốt đẹp hơn ở phía trước. Họ đưa ra ý tưởng mới, khuyến khích nhân viên sáng tạo và luôn đón nhận những phản hồi có tính xây dựng. 

Bạn suy nghĩ gì về bài viết này? Nếu có bất kỳ chia sẻ nào, hãy để lại bình luận ở bên dưới và cùng thảo luận về Tư Duy Doanh Chủ nhé. 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Thảo luận
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Là lãnh đạo của một doanh nghiệp, nếu nhận thấy sự thiếu nhiệt tình từ đội ngũ nhân viên và kết quả công việc chỉ duy trì ở mức đều đều, bạn sẽ làm gì? Tìm cách nói chuyện với nhân viên hoặc cung cấp động lực để thúc đẩy tinh thần của họ? Thực tế, việc đầu tiên và thiết thực nhất bạn nên làm là soi xét lại kỹ năng lãnh đạo của mình. 

Khi đối mặt với vấn đề, các nhà lãnh đạo xuất sắc trước hết sẽ tập trung đánh giá khả năng và khuyết điểm của bản thân. Luôn có những lĩnh vực cần cải thiện cho các nhà lãnh đạo. Khi bạn tự hỏi bản thân làm thế nào để truyền cảm hứng và trao quyền nhiều hơn cho cho nhân viên của mình, bạn đang đi đúng hướng. Bởi tính tự chịu trách nhiệm là nền tảng của khả năng lãnh đạo tuyệt vời. 

Kỹ năng lãnh đạo là gì?

Đây là một khái niệm rất rộng, có thể được định nghĩa là khả năng truyền cảm hứng và tổ chức những người khác để đạt được mục tiêu chung đúng hạn. Kỹ năng lãnh đạo rất quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, vì chúng tạo điều kiện để gia tăng sức mạnh tập thể và kích thích khả năng hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả. 

Không có mẫu số chung cho định nghĩa “nhà lãnh đạo giỏi”. Có doanh chủ sẽ thể hiện các kỹ năng lãnh đạo “mềm” như kiên nhẫn, đồng cảm và biết lắng nghe, trong khi một số người khác có thế mạnh trong việc chấp nhận rủi ro và ra quyết định. 

Tại sao phát triển kỹ năng lãnh đạo lại quan trọng? 

Dù điểm mạnh tự nhiên của bạn là gì, phát triển kỹ năng lãnh đạo phù hợp với năng khiếu đó là chìa khóa để đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Kỹ năng lãnh đạo không chỉ dành cho sự nghiệp, nó còn giúp cải thiện các mối quan hệ cá nhân. Đó là bởi vì khi bạn học cách cải thiện kỹ năng lãnh đạo, bạn sẽ học về cách giao tiếp và xây dựng kết nối với những người khác. Đây được gọi là trí thông minh cảm xúc. 

Phát triển kỹ năng lãnh đạo là quá trình khai thác tài năng thiên bẩm của bạn để truyền cảm hứng cho người khác. Bạn sẽ dung hòa được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó thực hành kiểm soát cảm xúc, tăng cường sự tập trung và hơn thế nữa. 

Tìm kiếm khía cạnh cần cải thiện trong kỹ năng lãnh đạo

Làm thế nào để biết cần bắt đầu phát triển kỹ năng lãnh đạo từ đâu? Có hai bước để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bạn ở kỹ năng này. 

Bước 1: Xác định phong cách lãnh đạo

Hiểu được phong cách lãnh đạo của bản thân sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa cho việc xây dựng các kỹ năng quản lý phù hợp với bản chất thực sự. Phương pháp lãnh đạo của bạn có dân chủ không, hay thế mạnh là tầm nhìn xa rộng? 

Đây là bước khởi đầu rất tốt bởi mỗi phong cách lãnh đạo đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Chẳng hạn, nếu bạn sở hữu phong cách lãnh đạo dân chủ, bạn có thể gặp khó khăn khi xử lý khủng hoảng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa có thể không giỏi lập kế hoạch và bám sát mục tiêu. Thay vì xem những nhược điểm này là mặc định, hãy nghĩ đến hướng đào sâu vào nó để điều chỉnh phù hợp. 

Bước 2: Đánh giá bản thân một cách khách quan

Để xác định chính xác về điểm yếu của mình, bạn phải trung thực trong quá trình tự đánh giá bản thân. Bạn thậm chí có thể yêu cầu những người đáng tin cậy nhận xét về kỹ năng lãnh đạo của mình. 

Một số khía cạnh cần cải thiện trong kỹ năng lãnh đạo có thể bao gồm:

  • Xây dựng sự đồng cảm: Bạn có đồng cảm với nhu cầu và cảm xúc của người khác hay chỉ tập trung vào bản thân? Đặt mình vào vị trí của người khác (nhất là khi góc nhìn của lãnh đạo và nhân viên thường rất khác nhau) là điều cần thiết để kết nối với họ và thuyết phục họ làm theo ý mình. 
  • Nâng cao kỹ năng giao tiếp: Đặt ra các kỳ vọng và thiết lập giới hạn, đưa ra mục tiêu và định hướng rõ ràng, giữ cho nhân viên luôn tuân thủ những điều đó. Hãy nhớ giao tiếp chỉ thực sự hiệu quả khi hai bên hiểu rõ những điều đối phương mong muốn. Không nên có tình trạng mơ hồ và phải đoán ý nhau. 
  • Đưa ra những quyết định khó khăn: “Chính trong khoảnh khắc bạn quyết định, số phận của bạn được định hình”. Bạn có tự tin vào khả năng đưa ra quyết định quan trọng và đúng thời điểm hay không? 
  • Loại bỏ quản lý vi mô: Hãy tránh cách quản lý nhân sự cực đoan với việc tập trung chú ý vào những chi tiết quá nhỏ. Đây có lẽ là lỗi phổ biến đối với rất nhiều nhà lãnh đạo. 
  • Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng: Có nhiều phong cách lãnh đạo chỉ tập trung vào mặt tích cực và luôn khích lệ những điều đó. Tuy nhiên, việc bỏ qua các vấn đề đang tồn tại trong doanh nghiệp sẽ không dẫn đến thành công trong kinh doanh. 

Làm thế nào để cải thiện kỹ năng lãnh đạo? 

Dưới đây là lời khuyên của chúng tôi dành cho doanh chủ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn mỗi ngày (điều này quan trọng hơn việc phải là nhà lãnh đạo tốt nhất, hoàn hảo nhất). 

1. Lập kế hoạch

Với nhận thức rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn đã sẵn sàng thay đổi hay chưa? Nếu bạn xác định thiếu tự tin là một điểm yếu, hãy thực hiện các bước để xây dựng sự tự tin. Nếu giao tiếp kém là điểm bạn chưa hài lòng, hãy bắt đầu thực hành các kỹ thuật giao tiếp hiệu quả. Thực hành là từ khóa quan trọng cần nhớ để mọi thứ không chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch. 

2. Thể hiện sự đam mê

Không ai muốn tìm kiếm lời khuyên trong công việc từ một người không thể hiện được nhiệt huyết với nó. Đam mê chính là nỗ lực mỗi ngày và không bao giờ từ bỏ. Không có đam mê, bạn sẽ ngừng đổi mới và trì trệ. Khi bạn luôn tràn đầy năng lượng và “cháy” hết mình với đam mê, nguồn năng lượng tích cực đó cũng sẽ lan truyền sang đội ngũ nhân viên của mình.

Đừng chỉ đam mê mỗi kết quả công việc, đừng dừng lại chỉ ở những con số. Hãy thể hiện đam mê trong mọi thứ bạn làm, bao gồm cả nỗ lực phát triển kỹ năng lãnh đạo. Nhân viên của bạn sẽ cảm nhận được điều đó một cách tự nhiên. 

3. Trở thành hình mẫu cho người khác

Một đặc điểm cốt lõi của những nhà lãnh đạo tài ba đó là họ luôn làm gương cho người khác trước khi bắt người khác phải làm gì. Bạn nên là hình mẫu phản chiếu rõ ràng nhất mong muốn của chính bạn. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất mà bạn có thể gửi đến nhân viên của mình, bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói. 

4. Đừng bỏ qua điểm mạnh của mình

Phát triển kỹ năng lãnh đạo thường tập trung vào khắc phục điểm yếu, nhưng đừng quên rằng bạn cũng có thể phát triển điểm mạnh của mình. Sự hiểu biết về điểm yếu cung cấp cho bạn những khía cạnh bản thân có thể cải thiện, nhưng việc ý thức rõ về năng khiếu bẩm sinh giúp bạn biết mình nên tận dụng lợi thế gì ngay lập tức để nâng cao hiệu quả công việc. 

Có điều gì bạn luôn tự tin và có thể khai thác nó theo một góc độ mới mẻ không? Nếu bạn là một diễn giả xuất sắc, hãy thử thuyết trình về một chủ đề ít khi được nói đến hoặc thuyết trình trước một đám đông “hoành tráng” hơn để kích thích bản thân hoàn thiện thêm kỹ năng này. 

Hãy nhớ những khía cạnh cần cải thiện của các nhà lãnh đạo là vô tận, bao gồm cả những điểm mạnh.

5. Đặt mục tiêu cụ thể và bám sát

Tầm nhìn vĩ đại đến mấy cũng không thể trở thành hiện thực nếu bạn không vạch ra con đường để đạt được điều đó. Khi bạn đang phát triển kỹ năng lãnh đạo, hãy đầu tư thời gian vào việc làm rõ các mục tiêu và củng cố chúng. Những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn này cũng có thể đóng vai trò như kim chỉ nam giúp công ty bạn luôn đi đúng hướng.

Một khi đạt được một mục tiêu cụ thể, hãy nhìn sang mục tiêu khác và không ngừng cố gắng. Cả bạn và đội ngũ nhân viên sẽ vô cùng tự hào khi đạt được những cột mốc quan trọng đã đề ra và đó là nguồn động lực rất lớn.

6. Thừa nhận thất bại và bước tiếp

Trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc có nghĩa là sẽ không bao giờ mắc sai lầm? Chẳng có nhà lãnh đạo nào trên thế giới dám khẳng định điều đó, dù họ có làm tốt công việc của mình đến đâu. Điều quan trọng hơn cả là đối diện với sai lầm của mình, công khai thừa nhận và hành động để sửa chữa. Hãy cởi mở về những thất bại của bạn, thảo luận về chúng với mọi người. Hãy tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tôi không tiếp tục mắc sai lầm này trong tương lai?”

Một người lãnh đạo luôn tìm cách học hỏi từ thất bại của mình sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy bị thuyết phục. 

7. Truyền cảm hứng cho người khác

Nếu bạn luôn phàn nàn về những chi tiết nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy tình huống xấu nhất trong mọi kế hoạch, bạn sẽ không truyền cảm hứng được cho ai. 

Cảm hứng cũng là sự mở rộng của niềm tin. Do đó, khi bạn liên tục nói “Không, việc đó sẽ không hiệu quả đâu” thay vì để nhân viên có ít nhất một cơ hội để triển khai ý tưởng của mình, bạn đang báo hiệu cho họ rằng bạn không tin vào ý tưởng của họ, thậm chí không tin vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. 

Một nhân viên cảm thấy không được tin tưởng sẽ không làm việc với chất lượng tốt nhất, và điều này thậm chí còn có thể gây ra hiệu ứng domino khiến đa số nhân viên trở nên nản chí, thiếu tinh thần làm việc. 

Thay vào đó, hãy đặt nhiều niềm tin hơn vào nhân viên và các cộng sự của mình. Truyền cảm hứng để họ làm việc chăm chỉ hơn và vượt qua giới hạn của chính mình. Tập trung vào năng lượng tích cực ngay cả khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch chính là bí quyết để tăng trưởng bền vững. 

8. Tìm mục tiêu cao hơn

Khi phát triển kỹ năng lãnh đạo, bạn cần biết lý do tại sao mình phải dành nhiều thời gian và nỗ lực cho việc này. Điều gì thúc đẩy bạn? Câu trả lời bật ra khỏi đầu bạn ngay lúc này có thể rất đơn giản: Mức thu nhập nhiều hơn hiện tại hoặc quyền chức cao hơn. 

Tuy nhiên, hãy lùi lại thêm một bước nữa. Tại sao bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn? Có phải vì điều đó mang lại sự an tâm nhiều hơn cho gia đình mình? Có lẽ bạn trở thành người đứng đầu của doanh nghiệp này vì muốn mang lại nhiều giá trị ý nghĩa cho xã hội hoặc tiên phong tạo ra sự thay đổi tích cực trong ngành? 

Đây đều là những mục tiêu cao hơn và bằng cách xác định được nó, bạn có thể làm tốt hơn với tư cách là một nhà lãnh đạo tự tin, hiểu biết và rất đáng để học hỏi. 

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích để phát triển kỹ năng lãnh đạo mỗi ngày. Tham khảo thêm nhiều bài viết cùng chủ đề trên website tuduydoanhchu.com nhé! 

“Một nhà lãnh đạo giỏi luôn phải…”

Hãy dành một phút để suy nghĩ và hoàn thành câu trên. Nó có thể tiết lộ nhiều điều về phong cách lãnh đạo của bạn. Sau đó, hãy đọc hết bài viết này để tìm câu trả lời hoàn chỉnh cho riêng mình nhé. 

Tại sao bạn cần xác định phong cách lãnh đạo của mình? 

Hiểu được phong cách lãnh đạo phù hợp nhất với tính cách của mình không chỉ giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn mà còn giúp bạn có khả năng làm chủ bản thân trong nhiều tình huống. 

Bạn sẽ nắm được những phẩm chất tốt nhất của mình để phát huy tối đa, đồng thời nhận thức rõ hơn về những gì cần làm để cải thiện điểm yếu và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Phong cách lãnh đạo ảnh hưởng đến cách bạn kết nối và giao tiếp với nhân viên, tác động đến cách nhân viên làm việc, cách giải quyết mâu thuẫn và còn nhiều hơn những gì bạn có thể hình dung. 

Điều quan trọng cần lưu ý là bạn không nhất thiết phải sử dụng duy nhất một phong cách cho mọi tình huống. Phong cách chủ đạo của bạn có thể là kiểu A, nhưng trong hoàn cảnh cần thiết, hãy linh động thành kiểu B, kiểu C nếu bắt buộc phải làm thế. Hiệu quả công việc nên được đặt lên hàng đầu. 

Các phong cách lãnh đạo phổ biến 

Các nhà lãnh đạo có thể rất khác nhau về độ tuổi, giới tính và kiểu tính cách. Điểm chung của họ là khả năng truyền cảm hứng cho người khác để hoàn thành công việc và mục tiêu đề ra. 

Mỗi người có thể sử dụng các phong cách lãnh đạo khác nhau tùy thuộc vào cách xử lý khủng hoảng, cách tương tác với nhân viên và mục tiêu hiện tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một phong cách lãnh đạo nổi trội sẽ đến với bạn một cách tự nhiên nhất. 

Dưới đây là 8 phong cách lãnh đạo thường thấy mà bạn có thể tham khảo. 

1. Lãnh đạo đầy tớ (Servant Leadership)

Thuật ngữ “lãnh đạo đầy tớ” (hay còn gọi là “lãnh đạo phục vụ”) đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, đề cập đến một khái niệm mang tính cách mạng, đi ngược lại kiểu lãnh đạo chỉ huy và kiểm soát truyền thống. 

Thay vì bắt mọi người phải làm gì, vai trò của các nhà lãnh đạo đầy tớ là đảm bảo nhu cầu của nhân viên được đáp ứng. Họ tập trung vào việc giúp các cá nhân đưa ra quyết định tốt hơn và sáng tạo hơn. 

Một số cái tên nổi bật của phong cách lãnh đạo này là tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln hay mục sư Martin Luther King – người đạt giải Nobel Hòa bình năm 1964. Điểm chung của họ là kỹ năng lắng nghe tốt, sự đồng cảm, lòng vị tha và tinh thần khích lệ người khác. Họ không thực sự coi mình là ông chủ, mà xác định vai trò của mình như một người quản lý. Họ thể hiện những giá trị và hành vi mà mình muốn thấy ở người khác. 

2. Lãnh đạo đích thực (Authentic Leadership)

Lãnh đạo đích thực là phong cách tập trung vào hành vi minh bạch và chính trực của người lãnh đạo, đồng thời khuyến khích nhân viên chia sẻ cởi mở các thông tin cần thiết. Sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Đây chính là bí quyết giúp xây dựng các mối quan hệ bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài trong công việc. 

Cách cư xử của những nhà lãnh đạo đích thực rất rạch ròi và nhất quán. Họ luôn trung thực với các giá trị của mình và không để bất cứ ai ngăn cản họ đưa ra quyết định mà họ biết là đúng đắn. 

3. Lãnh đạo dân chủ (Democratic Leadership)

Đúng như tên gọi của phong cách này, những nhà lãnh đạo dân chủ sẽ đưa ra quyết định dựa trên đóng góp của các thành viên trong nhóm. Dù họ là người có quyền hành lớn nhất, mỗi nhân viên đều có tiếng nói bình đẳng vì mục tiêu chung. 

Đây là một trong những phong cách lãnh đạo hiệu quả nhất, và cách thức hoạt động của nó cũng rất dễ ứng dụng, tương tự như cách đưa ra quyết định trong các cuộc họp hội đồng quản trị của doanh nghiệp. 

Cụ thể, trong cuộc họp đó, nhà lãnh đạo dân chủ sẽ đưa ra một vài lựa chọn, mở một cuộc thảo luận, đón nhận và xem xét phản hồi của từng thành viên để chốt phương án, hoặc thực hiện một cuộc biểu quyết. 

4. Lãnh đạo chuyên quyền (Autocratic Leadership)

Lãnh đạo chuyên quyền đối lập với lãnh đạo dân chủ. Trong phong cách lãnh đạo này, người lãnh đạo sẽ đưa ra quyết định mà không cần lấy ý kiến từ bất kỳ ai. Nhân viên không được xem xét hoặc tham khảo ý kiến trước khi doanh nghiệp thay đổi phương hướng, và phải hoàn toàn tuân thủ quyết định theo thời gian và tốc độ mà lãnh đạo yêu cầu. 

Một ví dụ dễ hiểu đó là một người quản lý có thể thay đổi giờ làm việc theo ca mà không hỏi ý kiến bất kỳ ai, ngay cả những nhân viên có thể bị ảnh hưởng bởi điều này. 

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều trường hợp đã cho thấy các tổ chức duy trì nền văn hóa độc đoán như vậy sẽ không giữ được bộ máy nhân sự ổn định. 

5. Lãnh đạo trao quyền (Laissez-Faire Leadership)

Thuật ngữ tiếng Pháp “Laissez-Faire” dịch theo nghĩa đen là “hãy để họ làm”, và đó chính là lý do nó được dùng để đặt tên cho phong cách lãnh đạo này. Các nhà lãnh đạo trao quyền có xu hướng tin tưởng nhân viên, tạo ra môi trường khá tự do để nhân viên được thỏa sức sáng tạo. 

Bạn có thể bắt gặp phong cách lãnh đạo này trong một công ty khởi nghiệp trẻ, nơi ít có quy định cứng nhắc về giờ làm việc hoặc phong cách ăn mặc của nhân viên.

Để phong cách lãnh đạo trao quyền phát huy hiệu quả tốt nhất, nó nên được kiểm soát ở mức độ nhất định. 

6. Lãnh đạo chiến lược (Strategic Leadership)

Đây là phong cách mang lại hiệu quả trong đa số trường hợp vì các nhà lãnh đạo luôn nhìn về phía trước, nắm bắt được nhịp phát triển của thị trường và luôn chuẩn bị cho những gì diễn ra tiếp theo. Họ đưa tinh thần này truyền đến đội ngũ nhân viên của mình, luôn dẫn dắt công ty đi theo đúng hướng và thúc đẩy nhân viên chú ý đến mục tiêu cuối cùng. 

7. Lãnh đạo chuyển đổi (Transformational Leadership)

Nhà lãnh đạo theo phong cách này luôn tìm cách chuyển đổi và cải tiến. Mỗi nhân viên có thế có mục tiêu cơ bản cho hàng tuần hoặc hàng tháng, nhưng nhà lãnh đạo chuyển đổi sẽ liên tục đẩy họ ra ngoài vùng an toàn của mình.

Nói cách khác, để phát triển được cùng tốc độ với công ty, bạn sẽ phải hoàn thành những mục tiêu ngày càng thách thức hơn. 

Kiểu lãnh đạo này rất được khuyến khích trong những môi trường cạnh tranh khốc liệt và nhân viên cũng sẽ được thúc đẩy để bứt phá rất nhiều. Tỷ phú Elon Musk với đầu óc phi thường và cách làm việc có phần lập dị là kiểu nhà lãnh đạo chuyển đổi đặc trưng. 

8. Lãnh đạo huấn luyện (Coach-Style Leadership)

Tương tự như huấn luyện viên của một đội thể thao, nhà lãnh đạo này tập trung vào việc xác định và nuôi dưỡng sức mạnh cá nhân của từng thành viên. Họ cũng nghiên cứu chiến lược để quá trình làm việc nhóm diễn ra hiệu quả hơn. Phong cách này có điểm tương đồng với phong cách lãnh đạo chiến lược và lãnh đạo dân chủ, nhưng nhấn mạnh hơn vào sự phát triển và thành công của cá nhân. 

Thay vì buộc tất cả nhân viên phải tập trung vào các kỹ năng và mục tiêu giống nhau, nhà lãnh đạo này có thể xây dựng một đội trong đó mỗi nhân viên có một khả năng chuyên môn khác nhau. Thông qua các buổi họp hoặc đào tạo nội bộ, họ cũng có thể khuyến khích nhân viên học hỏi lẫn nhau về kỹ năng và đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng. 

Như đã nhắc đến ở đầu bài, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ tiến bộ thông qua việc áp dụng nhiều phong cách lãnh đạo xuyên suốt sự nghiệp của họ. Bạn đang lãnh đạo theo phong cách nào và muốn thay đổi điều gì để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn? Cùng thảo luận nhé.

Khuyên nhân viên rời bỏ mọi cuộc họp không cần thiết, luôn tuyển dụng người thông minh hơn đội ngũ hiện tại và đặt ra những mục tiêu vượt ngưỡng, cách lãnh đạo mạnh mẽ và có phần cực đoan của Elon Musk là trường hợp rất thú vị để chúng ta cùng phân tích và học hỏi. 

Thành công của Elon Musk trong giới công nghệ là điều không ai có thể phủ nhận, đó cũng chính là lý do tỷ phú Mỹ được gọi bằng biệt danh “Người Sắt phiên bản đời thực”. Ở góc nhìn doanh chủ, chúng ta chắc chắn sẽ tò mò về phong cách lãnh đạo độc đáo của ông. Bởi xét cho cùng, một người không thể kiếm được hàng tỷ đôla nếu không sở hữu một đội ngũ nhân viên tận tâm, và Musk đã chứng minh với cả thế giới rằng mình biết cách xây dựng tập thể vững mạnh. 

Elon Musk đứng ngang hàng với Steve Jobs và Jeff Bezos khi nói đến các CEO có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21. Cũng tương tự các nhà sáng lập Apple và Amazon, Musk thường được coi là có phong cách “lãnh đạo chuyển đổi” (Transformational Leadership). Đây là một trong những phong cách lãnh đạo phổ biến nhất hiện nay.

Một số nhà quản lý thuê người để hoàn thành các nhiệm vụ nhàm chán. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi muốn bao quanh họ là những người tham vọng thay đổi thế giới. 

Tất nhiên, làm việc với một thiên tài có mức kỳ vọng rất cao không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một cựu nhân viên Tesla đã thẳng thắn chia sẻ trên tạp chí Fast Company rằng “Thật không thể tin được” và khẳng định không bao giờ quay lại công ty đó nữa. Một người khác từng làm việc dưới quyền Elon Musk tại SpaceX thừa nhận vị lãnh đạo của mình vô cùng tài giỏi nhưng chính điều đó khiến anh “sợ hãi”. 

Rõ ràng phong cách lãnh đạo tự tin của Elon Musk kéo theo không ít rắc rối. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến trái chiều về Musk từ nhân viên và công chúng, tất cả đều phải ngả mũ kính phục khả năng định hình tương lai của vị tỷ phú này. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá những chiến lược Musk áp dụng hàng ngày tại tất cả công ty của mình. Một số có thể khá cực đoan và không thực sự phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp của bạn, nhưng bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều điều để học hỏi từ nhà lãnh đạo nổi tiếng này. 

1. Khiến nhân viên tin vào tương lai của doanh nghiệp

“Điều hình thành nên Elon Musk là khả năng khiến mọi người tin tưởng vào tầm nhìn của ông”, cựu giám đốc nhân sự Dolly Singh tại SpaceX nhận xét. 

“Ông luôn đi trước ba hoặc bốn bước… Hầu hết chúng ta không thể nghĩ rằng những thứ này có hiệu quả, ông lại không thể nghĩ rằng nó không thành công”, Jim Cantrell, kỹ sư đầu tiên của SpaceX bổ sung về Musk. 

Chính Musk cũng từng khẳng định về ý nghĩa quan trọng của tầm nhìn đối với người lãnh đạo: “Bạn phải có một mục tiêu rất hấp dẫn cho công ty. Nếu bạn đặt mình vào vị trí của một nhân tài đẳng cấp thế giới, bạn phải khiến họ tin rằng công ty có tiềm năng cho những điều tuyệt vời và rằng bạn là người phù hợp để làm việc cùng”. 

Musk không nói quá về điều này. Lý tưởng của ông là xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại và cải thiện các ngành công nghiệp, từ oto đến năng lượng hay du hành vũ trụ. 

2. Đặt mục tiêu vượt ngưỡng

Tạo ra các chip não để cách mạng hóa khoa học thần kinh hay tìm cách xâm chiếm Sao Hỏa – những đích đến vô cùng tham vọng là một phần trong chiến lược “mục tiêu vượt ngưỡng” của Elon Musk. Theo Tạp chí Kinh Doanh Harvard, “mục tiêu vượt ngưỡng liên quan đến những kỳ vọng vượt ra ngoài khả năng và hiệu suất hiện tại”. Dù không phải lúc nào các công ty cũng đạt được kỳ vọng của Elon Musk, những mục tiêu này vẫn là nguồn động lực to lớn để thúc đẩy mọi người hướng về phía trước. 

Gwynne Shotwell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SpaceX cho biết: “Khi Elon nói điều gì đó, bạn phải dừng lại và không được thốt lên “Chà, điều đó là không thể”. Bạn nén nó lại, suy nghĩ về nó, và bạn tìm mọi cách để hoàn thành nó. Tôi luôn cảm thấy công việc của mình là tiếp thu những ý tưởng này và biến chúng thành mục tiêu của công ty”. 

3. Thách thức hiện trạng

Để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực của mình, Musk là người tin tưởng tuyệt đối vào việc mở lối đi riêng. Rõ ràng, để đạt được những điều chưa ai đạt được trước đây, bạn phải làm những điều chưa ai từng làm. 

Minh chứng của việc này là khi SpaceX thiết kế tên lửa, các nhà khoa học và kỹ sư dưới sự lãnh đạo của Musk không cần đưa vào bất kỳ công nghệ nào từng được thiết kế trước đó. Họ là xem xét sự phát triển của ngành công nghiệp tên lửa để “chọn ra những ý tưởng tốt nhất và tận dụng chúng”, tránh kế thừa những thứ có thể không thực sự hữu ích, hơn nữa còn quá đắt đỏ. Cách tiếp cận này cho phép SpaceX tạo ra một phương tiện thực sự sáng tạo theo cách riêng của mình. 

4. Quản lý vi mô 

Musk nổi tiếng là một người nghiện công việc, đây vừa là điều may mắn vừa là nỗi thống khổ của đội ngũ nhân viên. Với suy nghĩ “không nhiệm vụ nào là quá tầm thường”, Elon Musk quan niệm CEO hoặc nhà sáng lập công ty phải làm tất cả những nhiệm vụ mà có thể mình không muốn làm. 

Tuy nhiên, việc quản lý vi mô (đi sâu vào chi tiết, với Elon Musk là ở mức độ ám ảnh với chi tiết) đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn nội bộ. Bên cạnh đó, việc ông dành hơn 100 giờ mỗi tuần cho công việc đã dẫn đến sự đòi hỏi rất cao đối với nhân viên, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với máy móc. Những người này thường lo lắng rằng Musk sẽ đến khu vực của mình và bắt đầu đặt câu hỏi. 

Một số kỹ sư sẽ thấy cực kỳ khó chịu, nhưng đa số phải thừa nhận rằng phong cách độc đáo của Elon Musk chính là điều đã tạo tên Tesla mà họ lựa chọn đầu quân. 

5. Tuyển dụng thông minh

Tỷ phú gốc Nam Phi luôn đánh giá cao việc xây dựng một đội ngũ xuất sắc. Và để tạo ra đội ngũ đó, Musk rất tỉ mỉ trong việc tuyển dụng. “Tuyển những người tài năng là 90% của giải pháp, vì tuyển dụng sai sẽ khiến bạn phải trả giá rất đắt. Chúng tôi thách thức các nhà quản trị nhân sự thuê những người giỏi hơn họ, từ đó sẽ giúp công ty trở nên tốt hơn sau những lần tuyển dụng”. 

6. Chấp nhận thất bại

Điểm chung của tất cả các nhà lãnh đạo tài ba? Họ không sợ thất bại. Musk đã trải qua điều đó rất nhiều lần, trước sự chứng kiến của toàn thế giới. Ai có thể quên buổi ra mắt đáng xấu hổ của chiếc xe bán tải Tesla với tên gọi Cybertruck, khi chiếc cửa sổ được quảng cáo là “không thể phá vỡ” lại bị nứt vỡ bởi một quả bóng thép?

Tuy nhiên, thất bại không làm chệch hướng tầm nhìn của ông. Đó mới là điều quan trọng. Thất bại cũng là điều cần thiết để xác định vấn đề và cải thiện.”Bạn nên áp dụng cách tiếp cận đã dẫn đến thất bại. Mục tiêu là thất bại ít hơn”.

7. Xem xét phản hồi để tìm giải pháp

Khi một người sử dụng thất bại như một bài học, họ trực tiếp đương đầu với vấn đề. “Hãy liên tục suy nghĩ về cách bạn có thể làm mọi thứ tốt hơn và tự vấn bản thân”, Musk nói. 

Ngay cả những lời chỉ trích cũng rất có giá trị trong các dự án của Musk. Theo ông, một lời phê bình (đến từ việc suy nghĩ rất kỹ lưỡng về những gì bạn đã làm) thực sự quý như vàng. “Bạn nên tìm kiếm điều đó từ tất cả những người bạn có thể, đặc biệt là từ bạn bè. Thông thường, bạn bè luôn biết điều gì sai nhưng không nói thẳng vì không muốn làm bạn tổn thương. Ngay cả khi bạn không đồng ý với lời phê bình của ai đó, ít nhất bạn cũng muốn lắng nghe cẩn thận những gì họ nói”, Musk diễn giải. 

8. Coi trọng giao tiếp

Cốt lõi của việc khích lệ phản hồi nói trên rõ ràng là giao tiếp – điều Elon Musk luôn muốn nhân viên của mình phải chú tâm. 

Trong một bức thư nội bộ gửi cho nhân viên Tesla vào năm 2018, Musk đã kêu gọi mọi người giao tiếp nhanh chóng và trực tiếp nhất có thể, đồng thời luôn bỏ qua bất kỳ “chuỗi mệnh lệnh” nào. 

“Giao tiếp nên đi qua con đường ngắn nhất có thể để hoàn thành công việc, không phải thông qua chuỗi mệnh lệnh. Bất kỳ người quản lý nào cố gắng thực thi chuỗi mệnh lệnh với nhân viên sẽ sớm phải chuyển việc”. 

Ông khuyến khích thông tin tự do giữa tất cả các cấp, tránh giao tiếp đi đường vòng khiến “những điều siêu ngớ ngẩn xảy ra”. 

9. Hạn chế họp hành 

Với tư duy nói trên, Elon Musk nổi tiếng không ưa họp hành. Ông yêu cầu công ty bỏ qua các cuộc họp không cần thiết, lãng phí thời gian và không mang lại bất kỳ bài học ý nghĩa nào. 

“Họp hành quá nhiều là nhược điểm của các công ty lớn và hầu như càng ngày càng tệ. Vui lòng rời khỏi tất cả các cuộc họp lớn, trừ khi bạn chắc chắn họ đang cung cấp giá trị cho toàn bộ khán giả. Trong trường hợp đó, hãy giữ mọi thứ thật ngắn gọn”, ông dặn dò nhân viên. 

“Cũng nên loại bỏ các cuộc họp thường xuyên, trừ khi bạn đang giải quyết một vấn đề cực kỳ khẩn cấp. Tần suất họp sẽ giảm nhanh chóng khi vấn đề khẩn cấp được giải quyết. Bước ra khỏi cuộc họp ngay nếu thấy rõ bạn không nhận được giá trị gì. Bỏ đi không phải là thô lỗ, bắt người khác ở lại và lãng phí thời gian của họ mới là bất lịch sự”. 

10. Luôn thích nghi

Có lẽ một trong những điểm mạnh nhất – và cũng là khuyết điểm – của Elon Musk là khả năng thích nghi và thay đổi hướng đi mà không chần chừ. Tỷ phú này được biết đến là người luôn thay đổi quyết định dựa trên bất cứ điều gì cần chú ý ở thời điểm đó và đổi hướng dự án một cách nhanh chóng. 

Nhưng việc đưa ra quyết định thất thường của Musk, đặc biệt là phản ứng với những thứ ông đọc được trên mạng xã hội, đôi khi khiến nhân viên của ông cảm thấy tổn thương.

Trên đây là 10 chiến lược lãnh đạo thú vị của tỷ phú công nghệ Elon Musk, người khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ trước tư duy “điên rồ” của mình. Bạn nghĩ gì về phong cách lãnh đạo này, hoặc muốn tìm hiểu tiếp về ai?

Steve Jobs từng nói với nhân viên rằng ông tin vào kiểu lãnh đạo “không bao biện”. Những người thành công không hoàn toàn dựa dẫm hoặc đổ lỗi cho người khác, họ chủ động đưa các phương án dự phòng và đặt ra các kỳ vọng rõ ràng, nhưng cũng đồng thời là người luôn chịu trách nhiệm sau cùng. 

Nhà sáng lập Apple kỳ vọng rất nhiều vào chính mình. Ông cũng kỳ vọng rất nhiều từ người khác, đặc biệt là những người trong vai trò lãnh đạo. 

Bài viết này chia sẻ về câu chuyện nhỏ xuất hiện trong cuốn sách “Think Like Amazon” (Tư duy Amazon) của John Rossman, xoay quanh những ý tưởng để dẫn đầu ngành công nghệ. 

Khi nhân viên được thăng chức lên phó chủ tịch, Jobs thẳng thắn thể hiện quan điểm về lý thuyết lãnh đạo của mình. Ông nói nếu rác trong văn phòng không được dọn sạch, ông đương nhiên sẽ yêu cầu nhân viên vệ sinh giải thích. Người này có thể đưa ra một lý do hợp lý: “Khóa cửa đã bị thay đổi và tôi không thể lấy được chìa khóa”. 

Phản ứng của nhân viên vệ sinh là hợp lý. Đó là một lời tự bào chữa dễ hiểu. Nhân viên vệ sinh không thể làm công việc của mình nếu không có chìa khóa. Là một lao công, anh ta được phép có lý do. 

Tuy nhiên, ông cảnh báo cấp dưới: “Khi nhân viên trở thành phó chủ tịch, họ bắt buộc phải bỏ qua mọi lời bao biện. Một phó chủ tịch phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sai lầm nào xảy ra, và bào chữa thế nào cũng không quan trọng”.

Quy tắc lãnh đạo “không bao biện”

Bạn cần huy động các bộ phận khác nhau để hoàn thành một đơn hàng, và lô hàng từ nhà cung cấp của bạn bị chậm trễ? Việc giao hàng trễ là lỗi của nhà cung cấp, nhưng việc đảm bảo có các bộ phận quan trọng để xử lý vấn đề khẩn cấp là trách nhiệm của bạn. Phương án dự phòng luôn là điều cần thiết. 

Bạn đi công tác và mặc một bộ đồ thoải mái đến sân bay, tuy nhiên có nhầm lẫn xảy ra khiến hành lý của bạn không được chuyển tới điểm đến kịp thời? Phương án dự phòng ở đây có thể là mang sẵn một bộ vest trong hành lý xách tay, hoặc mặc đồ nghiêm chỉnh để đến sân bay ngay từ đầu. Thất lạc hành lý có thể là lỗi của hãng hàng không, nhưng đảm bảo có trang phục phù hợp cho buổi diễn thuyết sắp diễn ra là trách nhiệm của bạn. 

Phương Tây có một câu trích dẫn nổi tiếng: “Hãy cầu nguyện như thể Chúa sẽ phù hộ cho tất cả, hãy hành động như thể tất cả phụ thuộc vào bạn”. 

Trách nhiệm cá nhân là vô cùng quan trọng đối với một người lãnh đạo. Nhiều người cảm thấy họ thành công hay thất bại là do tác động từ bên ngoài, và thường đổ lỗi cho người khác. Nếu họ thành công, đó là do người khác giúp đỡ, hỗ trợ. Nếu họ thất bại, ắt hẳn là do người khác không tin tưởng, không ủng hộ. 

Ở một mức độ nào đó, điều này là sự thật. Không ai có thể tự mình làm nên bất cứ điều gì đáng giá mà không cần đến người khác. 

Tuy nhiên, những người thành công không hoàn toàn dựa dẫm hoặc đổ lỗi cho người khác. Những người thành công luôn có phương án dự phòng. Những người thành công tìm kiếm điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tệ nhất. Họ đặt ra kỳ vọng rõ ràng, họ giao tiếp hiệu quả với cộng sự của mình. Họ lãnh đạo và hướng dẫn người khác thực hiện, nhưng họ cũng chính là người chịu trách nhiệm sau cùng. 

Tại sao lại như vậy? Bởi vì điều duy nhất họ biết là họ có thể kiểm soát được chính mình. Họ hành động như thể thành công hay thất bại đều nằm trong tầm kiểm soát của họ. 

Đừng lãng phí năng lượng và tinh thần để hy vọng hoặc lo lắng về những gì sẽ xảy ra. Đặt tất cả nỗ lực của bạn để thực hiện và đảm bảo mọi thứ sẽ diễn ra, một cách hoàn toàn chủ động. 

Như Jobs đã nói, “Những lý do không còn quan trọng nữa”. 

Hy vọng bạn đã tìm thấy một bài học nho nhỏ cho riêng mình sau khi đọc bài viết này. 

BÀI VIẾT NỔI BẬT