Khuyên nhân viên rời bỏ mọi cuộc họp không cần thiết, luôn tuyển dụng người thông minh hơn đội ngũ hiện tại và đặt ra những mục tiêu vượt ngưỡng, cách lãnh đạo mạnh mẽ và có phần cực đoan của Elon Musk là trường hợp rất thú vị để chúng ta cùng phân tích và học hỏi.
Thành công của Elon Musk trong giới công nghệ là điều không ai có thể phủ nhận, đó cũng chính là lý do tỷ phú Mỹ được gọi bằng biệt danh “Người Sắt phiên bản đời thực”. Ở góc nhìn doanh chủ, chúng ta chắc chắn sẽ tò mò về phong cách lãnh đạo độc đáo của ông. Bởi xét cho cùng, một người không thể kiếm được hàng tỷ đôla nếu không sở hữu một đội ngũ nhân viên tận tâm, và Musk đã chứng minh với cả thế giới rằng mình biết cách xây dựng tập thể vững mạnh.
Elon Musk đứng ngang hàng với Steve Jobs và Jeff Bezos khi nói đến các CEO có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21. Cũng tương tự các nhà sáng lập Apple và Amazon, Musk thường được coi là có phong cách “lãnh đạo chuyển đổi” (Transformational Leadership). Đây là một trong những phong cách lãnh đạo phổ biến nhất hiện nay.
Một số nhà quản lý thuê người để hoàn thành các nhiệm vụ nhàm chán. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi muốn bao quanh họ là những người tham vọng thay đổi thế giới.
Tất nhiên, làm việc với một thiên tài có mức kỳ vọng rất cao không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một cựu nhân viên Tesla đã thẳng thắn chia sẻ trên tạp chí Fast Company rằng “Thật không thể tin được” và khẳng định không bao giờ quay lại công ty đó nữa. Một người khác từng làm việc dưới quyền Elon Musk tại SpaceX thừa nhận vị lãnh đạo của mình vô cùng tài giỏi nhưng chính điều đó khiến anh “sợ hãi”.
Rõ ràng phong cách lãnh đạo tự tin của Elon Musk kéo theo không ít rắc rối. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến trái chiều về Musk từ nhân viên và công chúng, tất cả đều phải ngả mũ kính phục khả năng định hình tương lai của vị tỷ phú này.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá những chiến lược Musk áp dụng hàng ngày tại tất cả công ty của mình. Một số có thể khá cực đoan và không thực sự phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp của bạn, nhưng bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều điều để học hỏi từ nhà lãnh đạo nổi tiếng này.
1. Khiến nhân viên tin vào tương lai của doanh nghiệp
“Điều hình thành nên Elon Musk là khả năng khiến mọi người tin tưởng vào tầm nhìn của ông”, cựu giám đốc nhân sự Dolly Singh tại SpaceX nhận xét.
“Ông luôn đi trước ba hoặc bốn bước… Hầu hết chúng ta không thể nghĩ rằng những thứ này có hiệu quả, ông lại không thể nghĩ rằng nó không thành công”, Jim Cantrell, kỹ sư đầu tiên của SpaceX bổ sung về Musk.
Chính Musk cũng từng khẳng định về ý nghĩa quan trọng của tầm nhìn đối với người lãnh đạo: “Bạn phải có một mục tiêu rất hấp dẫn cho công ty. Nếu bạn đặt mình vào vị trí của một nhân tài đẳng cấp thế giới, bạn phải khiến họ tin rằng công ty có tiềm năng cho những điều tuyệt vời và rằng bạn là người phù hợp để làm việc cùng”.
Musk không nói quá về điều này. Lý tưởng của ông là xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại và cải thiện các ngành công nghiệp, từ oto đến năng lượng hay du hành vũ trụ.
2. Đặt mục tiêu vượt ngưỡng
Tạo ra các chip não để cách mạng hóa khoa học thần kinh hay tìm cách xâm chiếm Sao Hỏa – những đích đến vô cùng tham vọng là một phần trong chiến lược “mục tiêu vượt ngưỡng” của Elon Musk. Theo Tạp chí Kinh Doanh Harvard, “mục tiêu vượt ngưỡng liên quan đến những kỳ vọng vượt ra ngoài khả năng và hiệu suất hiện tại”. Dù không phải lúc nào các công ty cũng đạt được kỳ vọng của Elon Musk, những mục tiêu này vẫn là nguồn động lực to lớn để thúc đẩy mọi người hướng về phía trước.
Gwynne Shotwell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SpaceX cho biết: “Khi Elon nói điều gì đó, bạn phải dừng lại và không được thốt lên “Chà, điều đó là không thể”. Bạn nén nó lại, suy nghĩ về nó, và bạn tìm mọi cách để hoàn thành nó. Tôi luôn cảm thấy công việc của mình là tiếp thu những ý tưởng này và biến chúng thành mục tiêu của công ty”.
3. Thách thức hiện trạng
Để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực của mình, Musk là người tin tưởng tuyệt đối vào việc mở lối đi riêng. Rõ ràng, để đạt được những điều chưa ai đạt được trước đây, bạn phải làm những điều chưa ai từng làm.
Minh chứng của việc này là khi SpaceX thiết kế tên lửa, các nhà khoa học và kỹ sư dưới sự lãnh đạo của Musk không cần đưa vào bất kỳ công nghệ nào từng được thiết kế trước đó. Họ là xem xét sự phát triển của ngành công nghiệp tên lửa để “chọn ra những ý tưởng tốt nhất và tận dụng chúng”, tránh kế thừa những thứ có thể không thực sự hữu ích, hơn nữa còn quá đắt đỏ. Cách tiếp cận này cho phép SpaceX tạo ra một phương tiện thực sự sáng tạo theo cách riêng của mình.
4. Quản lý vi mô
Musk nổi tiếng là một người nghiện công việc, đây vừa là điều may mắn vừa là nỗi thống khổ của đội ngũ nhân viên. Với suy nghĩ “không nhiệm vụ nào là quá tầm thường”, Elon Musk quan niệm CEO hoặc nhà sáng lập công ty phải làm tất cả những nhiệm vụ mà có thể mình không muốn làm.
Tuy nhiên, việc quản lý vi mô (đi sâu vào chi tiết, với Elon Musk là ở mức độ ám ảnh với chi tiết) đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn nội bộ. Bên cạnh đó, việc ông dành hơn 100 giờ mỗi tuần cho công việc đã dẫn đến sự đòi hỏi rất cao đối với nhân viên, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với máy móc. Những người này thường lo lắng rằng Musk sẽ đến khu vực của mình và bắt đầu đặt câu hỏi.
Một số kỹ sư sẽ thấy cực kỳ khó chịu, nhưng đa số phải thừa nhận rằng phong cách độc đáo của Elon Musk chính là điều đã tạo tên Tesla mà họ lựa chọn đầu quân.
5. Tuyển dụng thông minh
Tỷ phú gốc Nam Phi luôn đánh giá cao việc xây dựng một đội ngũ xuất sắc. Và để tạo ra đội ngũ đó, Musk rất tỉ mỉ trong việc tuyển dụng. “Tuyển những người tài năng là 90% của giải pháp, vì tuyển dụng sai sẽ khiến bạn phải trả giá rất đắt. Chúng tôi thách thức các nhà quản trị nhân sự thuê những người giỏi hơn họ, từ đó sẽ giúp công ty trở nên tốt hơn sau những lần tuyển dụng”.
6. Chấp nhận thất bại
Điểm chung của tất cả các nhà lãnh đạo tài ba? Họ không sợ thất bại. Musk đã trải qua điều đó rất nhiều lần, trước sự chứng kiến của toàn thế giới. Ai có thể quên buổi ra mắt đáng xấu hổ của chiếc xe bán tải Tesla với tên gọi Cybertruck, khi chiếc cửa sổ được quảng cáo là “không thể phá vỡ” lại bị nứt vỡ bởi một quả bóng thép?
Tuy nhiên, thất bại không làm chệch hướng tầm nhìn của ông. Đó mới là điều quan trọng. Thất bại cũng là điều cần thiết để xác định vấn đề và cải thiện.”Bạn nên áp dụng cách tiếp cận đã dẫn đến thất bại. Mục tiêu là thất bại ít hơn”.
7. Xem xét phản hồi để tìm giải pháp
Khi một người sử dụng thất bại như một bài học, họ trực tiếp đương đầu với vấn đề. “Hãy liên tục suy nghĩ về cách bạn có thể làm mọi thứ tốt hơn và tự vấn bản thân”, Musk nói.
Ngay cả những lời chỉ trích cũng rất có giá trị trong các dự án của Musk. Theo ông, một lời phê bình (đến từ việc suy nghĩ rất kỹ lưỡng về những gì bạn đã làm) thực sự quý như vàng. “Bạn nên tìm kiếm điều đó từ tất cả những người bạn có thể, đặc biệt là từ bạn bè. Thông thường, bạn bè luôn biết điều gì sai nhưng không nói thẳng vì không muốn làm bạn tổn thương. Ngay cả khi bạn không đồng ý với lời phê bình của ai đó, ít nhất bạn cũng muốn lắng nghe cẩn thận những gì họ nói”, Musk diễn giải.
8. Coi trọng giao tiếp
Cốt lõi của việc khích lệ phản hồi nói trên rõ ràng là giao tiếp – điều Elon Musk luôn muốn nhân viên của mình phải chú tâm.
Trong một bức thư nội bộ gửi cho nhân viên Tesla vào năm 2018, Musk đã kêu gọi mọi người giao tiếp nhanh chóng và trực tiếp nhất có thể, đồng thời luôn bỏ qua bất kỳ “chuỗi mệnh lệnh” nào.
“Giao tiếp nên đi qua con đường ngắn nhất có thể để hoàn thành công việc, không phải thông qua chuỗi mệnh lệnh. Bất kỳ người quản lý nào cố gắng thực thi chuỗi mệnh lệnh với nhân viên sẽ sớm phải chuyển việc”.
Ông khuyến khích thông tin tự do giữa tất cả các cấp, tránh giao tiếp đi đường vòng khiến “những điều siêu ngớ ngẩn xảy ra”.
9. Hạn chế họp hành
Với tư duy nói trên, Elon Musk nổi tiếng không ưa họp hành. Ông yêu cầu công ty bỏ qua các cuộc họp không cần thiết, lãng phí thời gian và không mang lại bất kỳ bài học ý nghĩa nào.
“Họp hành quá nhiều là nhược điểm của các công ty lớn và hầu như càng ngày càng tệ. Vui lòng rời khỏi tất cả các cuộc họp lớn, trừ khi bạn chắc chắn họ đang cung cấp giá trị cho toàn bộ khán giả. Trong trường hợp đó, hãy giữ mọi thứ thật ngắn gọn”, ông dặn dò nhân viên.
“Cũng nên loại bỏ các cuộc họp thường xuyên, trừ khi bạn đang giải quyết một vấn đề cực kỳ khẩn cấp. Tần suất họp sẽ giảm nhanh chóng khi vấn đề khẩn cấp được giải quyết. Bước ra khỏi cuộc họp ngay nếu thấy rõ bạn không nhận được giá trị gì. Bỏ đi không phải là thô lỗ, bắt người khác ở lại và lãng phí thời gian của họ mới là bất lịch sự”.
10. Luôn thích nghi
Có lẽ một trong những điểm mạnh nhất – và cũng là khuyết điểm – của Elon Musk là khả năng thích nghi và thay đổi hướng đi mà không chần chừ. Tỷ phú này được biết đến là người luôn thay đổi quyết định dựa trên bất cứ điều gì cần chú ý ở thời điểm đó và đổi hướng dự án một cách nhanh chóng.
Nhưng việc đưa ra quyết định thất thường của Musk, đặc biệt là phản ứng với những thứ ông đọc được trên mạng xã hội, đôi khi khiến nhân viên của ông cảm thấy tổn thương.
Trên đây là 10 chiến lược lãnh đạo thú vị của tỷ phú công nghệ Elon Musk, người khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ trước tư duy “điên rồ” của mình. Bạn nghĩ gì về phong cách lãnh đạo này, hoặc muốn tìm hiểu tiếp về ai?