Kết quả liên quan - Tháng Hai 7, 2022

Có giới hạn độ tuổi dành cho doanh nhân không? Câu chuyện của “cha đẻ KFC” Harland Sanders sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất dành cho câu hỏi này.

Bạn có nằm trong số những người đang chật vật tìm kiếm thành công cho riêng mình, những người đã chán ngấy với nhiều thất bại liên tiếp hay vô cùng thất vọng vì kết quả kinh doanh? Hãy nghĩ đến người đàn ông là biểu tượng trong giới kinh doanh với hình ảnh quen thuộc: bộ râu và mái tóc màu trắng, gương mặt thân thiện đang nở nụ cười, chiếc nơ đen cổ điển trên cổ áo. Hình ảnh này đã trở thành logo của thương hiệu Kentucky Fried Chicken (KFC) do ông sáng lập ở độ tuổi lục tuần, sau cả nghìn lần vực dậy từ thất bại.

Khởi nghiệp về cơ bản là phát triển một thứ gì đó có giá trị từ con số 0, và miễn là bạn không từ bỏ quyết tâm của mình, quả ngọt sẽ chờ đợi bạn ở phía trước. Mọi doanh nhân trên thế giới đều có thể tìm được nguồn động lực to lớn từ câu chuyện về người đàn ông vĩ đại này.

Ngành công nghiệp thức ăn nhanh ngày nay phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, dù các công ty đa quốc gia như Pizza Hut và Burger King dần mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn cầu, KFC – một thương hiệu tồn tại đã hơn nửa thế kỷ dường như chưa bao giờ đánh mất thị phần lớn của riêng mình.

Hiện KFC là chuỗi nhà hàng lớn thứ hai thế giới xếp theo doanh thu (chỉ đứng sau McDonald’s) với hơn 22.000 nhà hàng tại 132 quốc gia.

Công thức khiến KFC trở nên nổi tiếng và được săn đón trên thị trường là món gà rán kết hợp 11 loại gia vị và thảo mộc làm nên “vị ngon trên từng ngón tay” (finger lickin’ good). Harland Sander đã nỗ lực đưa món gà rán này đến với ngày càng nhiều thực khách trên nước Mỹ ở độ tuổi mà đa số mọi người đều muốn sống chậm lại và nghỉ hưu.

1009 lần bị từ chối trước khi làm nên thương hiệu KFC

Để tóm tắt về người đàn ông đứng sau “đế chế” gà rán KFC, chúng ta có thể nói: Harland Sander đến tận năm 40 tuổi mới trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, đến năm 62 tuổi mới nhượng quyền thương hiệu và đến năm 75 tuổi mới thực sự trở thành một biểu tượng sau khi bán công ty của mình để thương hiệu gà rán phủ sóng mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới.

Harland Sander trải qua một cuộc đời khốn khó và đầy thăng trầm. Ông sinh ngày 9/9/1890 tại Henryville, bang Indiana. Cái chết bi thảm của người cha vào năm Sander 6 tuổi đã buộc ông phải gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc mẹ và anh chị em trong gia đình từ rất sớm. Vì mưu sinh, ông phải bỏ học từ năm 12 tuổi và tạm xa nhà đi làm nông trại ở cách đó 80 dặm. Không có nhiều điểm sáng trong suốt thời thơ ấu của Sander, ngoại trừ việc ông đã được mẹ truyền dạy những kỹ năng nấu nướng quan trọng và thực sự để tâm vào chúng mỗi khi nấu ăn.

Sander trải qua đủ loại công việc khác nhau để kiếm tiền, bao gồm làm đầu bếp và rửa bát thuê cho một quán cà phê nhỏ, nhân viên bảo hiểm, lao công đường sắt, thợ lắp ráp động cơ hơi nước cho các đoàn tàu khắp miền nam, bán lốp xe…

Cuối cùng, vào năm 1930, khi đang làm việc cố định tại một trạm xăng ven đường ở ngoại ô North Corbin, Sander tận dụng thời gian rảnh để nấu ăn và rao bán cho những vị khách dừng chân. Dần dần, ông mở được một nhà hàng nho nhỏ, nơi thực khách thường đến ăn tối và nghe ông kể những câu chuyện thú vị.

Lần đầu tiên giới thiệu món gà huyền thoại của mình, ông được đón nhận vô cùng nhiệt tình. Đến năm 1937, Sander mở rộng hoạt động kinh doanh với sức chứa lên đến 150 người cùng lúc. Bước đột phá xuất hiện vào năm 1939 khi ông phát hiện ra rằng việc chiên gà với “11 loại thảo mộc và gia vị đặc trưng” trong nồi áp suất (một thiết bị mới ở thời điểm đó và khác với loại được sử dụng ngày nay) sẽ dẫn đến độ nhất quán lý tưởng của thành phẩm.

Công việc kinh doanh sau đó thua lỗ vì nhiều lý do, khiến ông phải đóng cửa nhà hàng của mình. Tuy không duy trì được cơ sở kinh doanh, Sander hiểu rõ mình vẫn nắm trong tay “vũ khí tối thượng” là công thức gà rán có một không hai.

Với số tiền tiết kiệm cùng 105 đôla nhận từ quỹ an sinh xã hội, ông bắt đầu đi khắp nước Mỹ để đề nghị các nhà hàng bán món gà đặc biệt của mình, sau đó cùng phân chia lợi nhuận.

Trên hành trình này, Sander bị từ chối bởi tổng cộng 1009 nhà hàng. Đó là con số đáng kinh ngạc và đủ sức hạ gục quyết tâm của bất cứ một người trẻ nào, nhưng ý chí của Sander vượt lên trên tất cả những lần thất bại đó. Ông không bao giờ bỏ cuộc bởi ông rất tự tin vào công thức gà rán của mình và hương vị độc đạo của nó. Cuối cùng, một vài nhà hàng bắt đầu bị ấn tượng và tìm đến Sander.

Xác định được tiềm năng thực sự của công thức gà rán, Sander thành lập nhà hàng KFC đầu tiên ở South Salt Lake, Utah năm ông 62 tuổi (năm 1952). Khởi nghiệp lại ở độ tuổi này, Sander vẫn không dập tắt tham vọng mở rộng nhượng quyền thương hiệu trên toàn quốc. Đến năm 1963, có đến gần 600 nhà hàng nhượng quyền KFC và biến KFC trở thành một thương hiệu cực kỳ đắt giá.

Gương mặt đại diện của KFC

Tháng 10 năm 1963, một luật sư trẻ là John Y. Brown, Jr. và nhà đầu tư mạo hiểm tên là Jack C. Massey đã tiếp cận “cha đẻ KFC”, đề nghị mua lại quyền chuyển nhượng thương hiệu. Ban đầu Sander khá miễn cưỡng, nhưng ông dần bị thuyết phục và bán lại quyền của mình vào năm 1965 với giá 2 triệu đôla.

Theo hợp đồng, công ty Kentucky Fried Chicken sẽ thành lập các nhà hàng của riêng mình trên khắp thế giới và không thay đổi công thức gà rán. Sanders có mức lương trọn đời là 40.000 đôla (sau này tăng lên 75.000 đô la), một vị trí trong hội đồng quản trị, sở hữu phần lớn cơ sở nhượng quyền KFC tại Canada và sẽ là đại sứ thương hiệu của công ty.

Sander có phần không vui khi để lại đứa con tinh thần của mình, nhưng ở tuổi 75, ông nghĩ đây là quyết định đúng đắn. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là Sander đã từ chối cổ phiếu của công ty và không thương lượng để đạt được mức lương cao hơn.

Có vẻ như mục tiêu mà “cha đẻ KFC” luôn theo đuổi chưa bao giờ là sự giàu có, mà là trở nên nổi tiếng nhờ công thức món ăn của mình. Đó là lý do ông đã liên tục càu nhàu về nước sốt có chất lượng kém đi nhưng lợi hơn về mặt chi phí mà công ty KFC bắt đầu sản xuất. Với ông, việc thu về lợi nhuận khủng không phải yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Cho đến khi qua đời vào năm 1980, Sander đã đi 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm các nhà hàng KFC và tích cực quảng bá thương hiệu trên truyền thông.

Brown, người đã bán cổ phần của mình tại KFC vào năm 1971 với giá 284 triệu đô la, trở thành thống đốc của Kentucky vào năm 1979. Khi Sanders qua đời vào năm sau, Brown gọi Sanders là “một huyền thoại thực sự” và “tinh thần của giấc mơ Mỹ”, New York Times đưa tin.

“Hãy tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình và đừng bao giờ từ bỏ”. Câu nói này nghe qua thật sáo rỗng, nhưng chúng tôi tin rằng bạn đã thấu hiểu được phần nào đó tinh thần không bỏ cuộc thông qua câu chuyện về “cha đẻ KFC”, khi sự kiên trì của ông đã đưa thương hiệu gà rán của mình trở thành thương hiệu được yêu thích hàng đầu thế giới.

Thật tuyệt khi trao tặng ai đó một bó hoa xinh chứa đựng thật nhiều quan tâm và yêu thương từ đáy lòng. Càng tuyệt hơn nữa khi bó hoa trở thành món quà mang tính cá nhân sâu sắc, được chăm chút tỉ mỉ từng chút một thật “đúng ý” khách đặt hàng. Thấu hiểu nhu cầu đó, Floracracy, công ty bán hoa trực tuyến tại Mỹ ra mắt vào tháng 10/2020 đã làm tất cả những gì có thể để dịch vụ của mình trở thành lựa chọn tốt nhất cho tất cả khách hàng khi muốn tặng hoa cho những người thương yêu.

Số tiền tài trợ mà Floracracy kêu gọi được tại thời điểm ra mắt lên đến 1,02 triệu USD. Dưới đây là ý tưởng và cách hoạt động của công ty khởi nghiệp này để bạn tham khảo.

Nhiều khách hàng đã để lại phản hồi rất tốt cho Floracracy ngay sau lần đầu sử dụng. Khi muốn đặt mua hoa, bạn sẽ sử dụng công cụ thiết kế trên website Floracracy, cho phép bạn đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất dựa trên dịp tặng hoa, mối quan hệ của bạn với người nhận, cảm xúc bạn muốn gửi gắm, kiểu hoa bạn thích… Chẳng hạn, nếu muốn gửi hoa cho chính mình, bạn có thể điền vào nơi dự kiến sẽ đặt hoa trong nhà như “bàn cà phê” và phong cách lựa chọn là “sân vườn”.


Ảnh chụp màn hình công cụ thiết kế, cho phép tùy chỉnh hình dáng, bảng màu và các loại hoa cụ thể theo cách sắp xếp bạn muốn. Ảnh: Insider

Sau đó, công cụ sẽ đưa ra đề xuất về những cách cắm hoa phù hợp với nhu cầu của bạn, hoặc bạn có thể chọn kiểu có sẵn đúng với tiêu chí của mình. Chọn xong hình dáng và kích thước, bạn tiếp tục tùy chỉnh mọi chi tiết khác như màu sắc và các loại hoa cụ thể.

Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Floracracy cho biết hầu hết mọi người đều có sự yêu thích nhất định với các sắc thái khác nhau của các loài hoa, họ có xu hướng lựa chọn những bông hoa mọc bên ngoài ngôi nhà thuở ấu thơ hoặc gắn liền với một kỷ niệm đẹp. Bản thân cô đã trải qua nhiều lần mua hoa không ưng ý trước đây, do đó mong muốn khách hàng của mình nhận được bó hoa giống nhất với những gì họ đã hình dung khi đặt hàng.

Điều thú vị là khi bạn di chuột qua các loại hoa khác nhau, công cụ sẽ hiển thị ý nghĩa và nguồn gốc các loại hoa, từ đó giúp bạn tạo ra một tác phẩm phù hợp nhất với tâm trạng và cảm xúc mà mình muốn truyền tải.

Website cũng cho phép bạn chọn ngày giao hàng hợp lý. Nếu muốn tặng hoa cho ai đó, bạn sẽ có tùy chọn tự viết thiệp hoặc để công ty viết thiệp dựa trên thông tin bạn cung cấp.

Quá trình này có thể mất khoảng 15-20 phút nếu bạn muốn xem kỹ tất cả các tùy chọn sẵn có. Với những người không tự tin nhiều về khiếu thẩm mỹ của mình hoặc không có nhiều thời gian, Floracracy cũng có tùy chọn “thiết kế giúp tôi” để hỗ trợ.

Giá của các bó hoa tự thiết kế này dao động từ 165-350 USD, nhỉnh hơn đáng kể so với giá hoa ở các tiệm thông thường. Tuy nhiên, với việc tập trung vào trải nghiệm cá nhân hóa, Floracracy đã không chọn cách cạnh tranh về mức giá với các đối thủ của mình.

Công ty cung cấp dịch vụ giao hoa đến 48 bang hoàn toàn miễn phí, đây là điểm cộng lớn bởi phí giao hoa thường khá đắt đỏ. Công ty không giao hàng trong ngày do đặc thù của gói dịch vụ theo yêu cầu và bạn có thể nhận hàng sớm nhất vào ngày hôm sau.

Bó hoa được gói kỹ trong thùng giấy để vận chuyển an toàn đến tay người nhận. Ảnh: Insider

 

Mức giá của bó hoa sẽ không còn là điều khiến bạn lăn tăn khi nhận hàng. Bên trong thùng giấy cứng cáp là bó hoa đúng ý mà bạn đã lựa chọn, kèm theo đó là một chiếc bình thủy tinh được thổi tại nhà máy Verre Beldi nổi tiếng ở Morocco, một chiếc kéo vàng, bản in các loài hoa và ý nghĩa của chúng, một lá thư cá nhân hóa và một cuốn sổ để ép cánh hoa.

Tài liệu đi kèm về chăm sóc hoa bao gồm cả thông tin về cách làm khô và bảo quản cánh hoa. Đó là cách Floracracy thừa nhận việc chưng hoa tươi là một thú vui không kéo dài và đưa ra gợi ý để bạn tận hưởng món quà tự nhiên này càng lâu càng tốt.

Bản hướng dẫn cũng lưu ý rằng nếu bạn gửi tặng chiếc bình rỗng cho một trung tâm bảo vệ phụ nữ nào đó và thông báo cho Floracracy biết, công ty sẽ gửi hoa tặng họ.

Mỗi bó hoa tươi đi kèm với rất nhiều vật dụng khác, gây ấn tượng mạnh với khách hàng. Ảnh: Insider

 

Và đó là cách Floracracy đã nâng tầm một dịch vụ quen thuộc như cung cấp hoa tươi lên một đẳng cấp khác, thu hút được vốn đầu tư khổng lồ và mang lại giá trị ý nghĩa cho người tiêu dùng.

Bạn đang kinh doanh lĩnh vực gì? Có ý tưởng độc đáo nào vừa lóe lên sau khi đọc bài viết này không? Hy vọng bạn đã rút ra được bài học thú vị nào đó từ câu chuyện khởi nghiệp của Floracracy. Nếu có bất kỳ điều gì muốn chia sẻ, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé.

Năm 2009, Rovio – công ty phát triển trò chơi trên điện thoại tại Phần Lan đã phát hành một trò chơi ngộ nghĩnh với hình ảnh những chú chim giận dữ. Chẳng ai ngờ nó sẽ trở thành trò chơi đầu tiên trên thế giới đạt đến 1 tỷ lượt tải xuống, biến công ty vô danh thành hình mẫu khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ. 

Nhìn lại lịch sử của Angry Birds, chúng ta có thể rút ra được những bài học ý nghĩa. 

51 lần thất bại.

Angry Birds bắt đầu như thế nào? Ba anh chàng mở công ty Rovio Entertainment. Họ đam mê game và mong muốn tạo ra thứ gì đó thật độc đáo. Họ bắt đầu phác thảo hàng ngày và ra mắt đến 51 game nhưng không đạt được thành tựu nào nổi bật. 

Mọi thứ trở nên nặng nề khi Rovio gần tiến đến bờ vực phá sản. Họ không bỏ cuộc và quyết định tạo thêm một trò chơi ấn tượng nữa. 

Mỗi ngày Rovio phác thảo đến 10 ý tưởng. Và một ngày nọ, những chàng trai đã làm cho những chú chim tức giận. Đây là khởi đầu của một trò chơi trực tuyến được coi là thành công bậc nhất trong lịch sử. 

Thành công vang dội của Angry Birds thường được nhắc kèm với 51 lần thất bại trước đó. Tuy nhiên, điều thường bị bỏ qua về những ngày trước khi có App Store là trong khi các trò chơi di động phát triển nhanh chóng và đơn giản, thị trường lại rất nhỏ bé. Tất cả công ty phải phát hành hàng chục trò chơi mỗi năm chỉ để kiếm đủ tiền tồn tại. 

Trong bối cảnh đó, việc phát hành 51 trò chơi không thành công không hẳn là một dấu hiệu thất bại mà là khả năng phát triển mạnh trong lĩnh vực non trẻ này. 

Về bản thân Angry Birds, trò chơi là sự kết hợp thông minh của việc hiểu rõ cơ chế, có sự hỗ trợ của công nghệ mới, trải nghiệm người dùng tuyệt vời, nhân vật nổi bật và âm thanh ấn tượng. Tuy nhiên, có lẽ lý do cốt lõi cho thành công vang dội của Angry Birds là về mặt xúc giác, khi nó sử dụng cách chơi theo quỹ đạo vật lý của các game flash như Crush the Castle và triển khai trên các thiết bị di động màn hình cảm ứng mới như Apple iPhone và Nokia N900.  

Sự phát triển của Angry Birds.

Do 79% doanh thu của Rovio gắn liền với thương hiệu Angry Birds, công ty đã phải nỗ lực đa dạng hóa các tựa game để thúc đẩy sự tăng trưởng nhất quán trên thị trường. 

Khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu phát hành các freemium game (miễn phí các tính năng cơ bản và tính phí các tính năng nâng cao), Rovio đã trải qua tình trạng thua lỗ và buộc phải thu hẹp quy mô vào năm 2015. Tuy nhiên, việc trình chiếu bộ phim Angry Birds và một số trò chơi khác được ra mắt với mô hình freemium đã giúp Rovio vực dậy để tiếp tục tăng trưởng. 

Sự phát triển ứng dụng di động của Angry Birds không chỉ dừng lại ở doanh thu từ trò chơi. Thay vì chỉ chạy quảng cáo trên mạng xã hội về trò chơi đơn thuần, Rovio nhận thấy người dùng rất yêu thích các nhân vật ngay cả khi họ không tham gia chơi game. Công ty bắt đầu thúc đẩy thương hiệu trở nên phổ biến hơn bằng cách mở rộng sang kinh doanh dựa trên hình ảnh phổ biến của những chú chim giận dữ. 

Tối ưu hóa App Store cũng là một trong những bước quan trọng mà Rovio đã làm cho Angry Birds, bởi công ty nhận thức rõ rằng bước đầu tiên và quan trọng nhất để tiếp thị một ứng dụng là chuẩn bị cho cửa hàng ứng dụng. 40% người dùng khám phá các ứng dụng và trò chơi bằng cách trực tiếp tìm kiếm chúng bằng các từ khóa liên quan, điều đó khiến các ứng dụng phải tối ưu hóa cho cửa hàng từ logo bắt mắt đến lời mô tả ấn tượng. 

Rovio không chỉ cho mọi người biết nội dung trò chơi mà còn nêu bật các tính năng chính của trò chơi, các bản cập nhật mới và những gì người chơi chia sẻ. Công ty cũng tạo bản xem trước bằng video trên cửa hàng ứng dụng, điều này cho phép người dùng cảm nhận trò chơi trước khi tải xuống. 

Bên cạnh đó, Rovio sử dụng một số cơ chế kiếm tiền để hỗ trợ sự phát triển của trò chơi và gia tăng lợi nhuận. Người chơi có thể mua đá quý để nâng cấp nhanh hơn hoặc sử dụng trong trường hợp hết mạng trước khi hoàn thành một cấp độ. 

Đầu tư vào nền kinh tế ảo của trò chơi khiến mọi người chơi lâu hơn và quay trở lại thường xuyên hơn. Việc chiết khấu theo số lượng cũng làm tăng giá trị đơn hàng trung bình. Chỉ cần bỏ thêm một ít tiền, người chơi có thể mua được nhiều đá quý hơn với giá ưu đãi. 

Việc kết hợp tính năng xã hội vào thiết kế để người chơi có thể giao lưu với bạn bè của họ cũng được xem là một trong những nước đi thông minh của Rovio. 

Angry Birds gây nghiện vì nó có cách chơi đơn giản và dễ dàng trở thành một phần trong thời gian giải lao ngắn ngủi của người dùng. Ai cũng có thể chơi Angry Birds khi đang xếp hàng chờ đợi hoặc chỉ đơn giản là khi buồn chán. 

Mọi người thường bị thu hút bởi những thứ đơn giản, chứ không phải những gì cao siêu hay phức tạp. Do đó, thiết kế một trò chơi với sự đơn giản luôn thường trực trong tâm trí là cách những nhà sáng lập tài ba của Angry Birds tạo ra thành công với những chú chim giận dữ. Bạn có đồng ý với tư duy đơn giản hóa sản phẩm này không?