Kết quả liên quan - Tháng Hai 8, 2022

Là lãnh đạo của một doanh nghiệp, nếu nhận thấy sự thiếu nhiệt tình từ đội ngũ nhân viên và kết quả công việc chỉ duy trì ở mức đều đều, bạn sẽ làm gì? Tìm cách nói chuyện với nhân viên hoặc cung cấp động lực để thúc đẩy tinh thần của họ? Thực tế, việc đầu tiên và thiết thực nhất bạn nên làm là soi xét lại kỹ năng lãnh đạo của mình. 

Khi đối mặt với vấn đề, các nhà lãnh đạo xuất sắc trước hết sẽ tập trung đánh giá khả năng và khuyết điểm của bản thân. Luôn có những lĩnh vực cần cải thiện cho các nhà lãnh đạo. Khi bạn tự hỏi bản thân làm thế nào để truyền cảm hứng và trao quyền nhiều hơn cho cho nhân viên của mình, bạn đang đi đúng hướng. Bởi tính tự chịu trách nhiệm là nền tảng của khả năng lãnh đạo tuyệt vời. 

Kỹ năng lãnh đạo là gì?

Đây là một khái niệm rất rộng, có thể được định nghĩa là khả năng truyền cảm hứng và tổ chức những người khác để đạt được mục tiêu chung đúng hạn. Kỹ năng lãnh đạo rất quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, vì chúng tạo điều kiện để gia tăng sức mạnh tập thể và kích thích khả năng hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả. 

Không có mẫu số chung cho định nghĩa “nhà lãnh đạo giỏi”. Có doanh chủ sẽ thể hiện các kỹ năng lãnh đạo “mềm” như kiên nhẫn, đồng cảm và biết lắng nghe, trong khi một số người khác có thế mạnh trong việc chấp nhận rủi ro và ra quyết định. 

Tại sao phát triển kỹ năng lãnh đạo lại quan trọng? 

Dù điểm mạnh tự nhiên của bạn là gì, phát triển kỹ năng lãnh đạo phù hợp với năng khiếu đó là chìa khóa để đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Kỹ năng lãnh đạo không chỉ dành cho sự nghiệp, nó còn giúp cải thiện các mối quan hệ cá nhân. Đó là bởi vì khi bạn học cách cải thiện kỹ năng lãnh đạo, bạn sẽ học về cách giao tiếp và xây dựng kết nối với những người khác. Đây được gọi là trí thông minh cảm xúc. 

Phát triển kỹ năng lãnh đạo là quá trình khai thác tài năng thiên bẩm của bạn để truyền cảm hứng cho người khác. Bạn sẽ dung hòa được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó thực hành kiểm soát cảm xúc, tăng cường sự tập trung và hơn thế nữa. 

Tìm kiếm khía cạnh cần cải thiện trong kỹ năng lãnh đạo

Làm thế nào để biết cần bắt đầu phát triển kỹ năng lãnh đạo từ đâu? Có hai bước để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bạn ở kỹ năng này. 

Bước 1: Xác định phong cách lãnh đạo

Hiểu được phong cách lãnh đạo của bản thân sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa cho việc xây dựng các kỹ năng quản lý phù hợp với bản chất thực sự. Phương pháp lãnh đạo của bạn có dân chủ không, hay thế mạnh là tầm nhìn xa rộng? 

Đây là bước khởi đầu rất tốt bởi mỗi phong cách lãnh đạo đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Chẳng hạn, nếu bạn sở hữu phong cách lãnh đạo dân chủ, bạn có thể gặp khó khăn khi xử lý khủng hoảng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa có thể không giỏi lập kế hoạch và bám sát mục tiêu. Thay vì xem những nhược điểm này là mặc định, hãy nghĩ đến hướng đào sâu vào nó để điều chỉnh phù hợp. 

Bước 2: Đánh giá bản thân một cách khách quan

Để xác định chính xác về điểm yếu của mình, bạn phải trung thực trong quá trình tự đánh giá bản thân. Bạn thậm chí có thể yêu cầu những người đáng tin cậy nhận xét về kỹ năng lãnh đạo của mình. 

Một số khía cạnh cần cải thiện trong kỹ năng lãnh đạo có thể bao gồm:

  • Xây dựng sự đồng cảm: Bạn có đồng cảm với nhu cầu và cảm xúc của người khác hay chỉ tập trung vào bản thân? Đặt mình vào vị trí của người khác (nhất là khi góc nhìn của lãnh đạo và nhân viên thường rất khác nhau) là điều cần thiết để kết nối với họ và thuyết phục họ làm theo ý mình. 
  • Nâng cao kỹ năng giao tiếp: Đặt ra các kỳ vọng và thiết lập giới hạn, đưa ra mục tiêu và định hướng rõ ràng, giữ cho nhân viên luôn tuân thủ những điều đó. Hãy nhớ giao tiếp chỉ thực sự hiệu quả khi hai bên hiểu rõ những điều đối phương mong muốn. Không nên có tình trạng mơ hồ và phải đoán ý nhau. 
  • Đưa ra những quyết định khó khăn: “Chính trong khoảnh khắc bạn quyết định, số phận của bạn được định hình”. Bạn có tự tin vào khả năng đưa ra quyết định quan trọng và đúng thời điểm hay không? 
  • Loại bỏ quản lý vi mô: Hãy tránh cách quản lý nhân sự cực đoan với việc tập trung chú ý vào những chi tiết quá nhỏ. Đây có lẽ là lỗi phổ biến đối với rất nhiều nhà lãnh đạo. 
  • Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng: Có nhiều phong cách lãnh đạo chỉ tập trung vào mặt tích cực và luôn khích lệ những điều đó. Tuy nhiên, việc bỏ qua các vấn đề đang tồn tại trong doanh nghiệp sẽ không dẫn đến thành công trong kinh doanh. 

Làm thế nào để cải thiện kỹ năng lãnh đạo? 

Dưới đây là lời khuyên của chúng tôi dành cho doanh chủ để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn mỗi ngày (điều này quan trọng hơn việc phải là nhà lãnh đạo tốt nhất, hoàn hảo nhất). 

1. Lập kế hoạch

Với nhận thức rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn đã sẵn sàng thay đổi hay chưa? Nếu bạn xác định thiếu tự tin là một điểm yếu, hãy thực hiện các bước để xây dựng sự tự tin. Nếu giao tiếp kém là điểm bạn chưa hài lòng, hãy bắt đầu thực hành các kỹ thuật giao tiếp hiệu quả. Thực hành là từ khóa quan trọng cần nhớ để mọi thứ không chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch. 

2. Thể hiện sự đam mê

Không ai muốn tìm kiếm lời khuyên trong công việc từ một người không thể hiện được nhiệt huyết với nó. Đam mê chính là nỗ lực mỗi ngày và không bao giờ từ bỏ. Không có đam mê, bạn sẽ ngừng đổi mới và trì trệ. Khi bạn luôn tràn đầy năng lượng và “cháy” hết mình với đam mê, nguồn năng lượng tích cực đó cũng sẽ lan truyền sang đội ngũ nhân viên của mình.

Đừng chỉ đam mê mỗi kết quả công việc, đừng dừng lại chỉ ở những con số. Hãy thể hiện đam mê trong mọi thứ bạn làm, bao gồm cả nỗ lực phát triển kỹ năng lãnh đạo. Nhân viên của bạn sẽ cảm nhận được điều đó một cách tự nhiên. 

3. Trở thành hình mẫu cho người khác

Một đặc điểm cốt lõi của những nhà lãnh đạo tài ba đó là họ luôn làm gương cho người khác trước khi bắt người khác phải làm gì. Bạn nên là hình mẫu phản chiếu rõ ràng nhất mong muốn của chính bạn. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất mà bạn có thể gửi đến nhân viên của mình, bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói. 

4. Đừng bỏ qua điểm mạnh của mình

Phát triển kỹ năng lãnh đạo thường tập trung vào khắc phục điểm yếu, nhưng đừng quên rằng bạn cũng có thể phát triển điểm mạnh của mình. Sự hiểu biết về điểm yếu cung cấp cho bạn những khía cạnh bản thân có thể cải thiện, nhưng việc ý thức rõ về năng khiếu bẩm sinh giúp bạn biết mình nên tận dụng lợi thế gì ngay lập tức để nâng cao hiệu quả công việc. 

Có điều gì bạn luôn tự tin và có thể khai thác nó theo một góc độ mới mẻ không? Nếu bạn là một diễn giả xuất sắc, hãy thử thuyết trình về một chủ đề ít khi được nói đến hoặc thuyết trình trước một đám đông “hoành tráng” hơn để kích thích bản thân hoàn thiện thêm kỹ năng này. 

Hãy nhớ những khía cạnh cần cải thiện của các nhà lãnh đạo là vô tận, bao gồm cả những điểm mạnh.

5. Đặt mục tiêu cụ thể và bám sát

Tầm nhìn vĩ đại đến mấy cũng không thể trở thành hiện thực nếu bạn không vạch ra con đường để đạt được điều đó. Khi bạn đang phát triển kỹ năng lãnh đạo, hãy đầu tư thời gian vào việc làm rõ các mục tiêu và củng cố chúng. Những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn này cũng có thể đóng vai trò như kim chỉ nam giúp công ty bạn luôn đi đúng hướng.

Một khi đạt được một mục tiêu cụ thể, hãy nhìn sang mục tiêu khác và không ngừng cố gắng. Cả bạn và đội ngũ nhân viên sẽ vô cùng tự hào khi đạt được những cột mốc quan trọng đã đề ra và đó là nguồn động lực rất lớn.

6. Thừa nhận thất bại và bước tiếp

Trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc có nghĩa là sẽ không bao giờ mắc sai lầm? Chẳng có nhà lãnh đạo nào trên thế giới dám khẳng định điều đó, dù họ có làm tốt công việc của mình đến đâu. Điều quan trọng hơn cả là đối diện với sai lầm của mình, công khai thừa nhận và hành động để sửa chữa. Hãy cởi mở về những thất bại của bạn, thảo luận về chúng với mọi người. Hãy tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tôi không tiếp tục mắc sai lầm này trong tương lai?”

Một người lãnh đạo luôn tìm cách học hỏi từ thất bại của mình sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy bị thuyết phục. 

7. Truyền cảm hứng cho người khác

Nếu bạn luôn phàn nàn về những chi tiết nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy tình huống xấu nhất trong mọi kế hoạch, bạn sẽ không truyền cảm hứng được cho ai. 

Cảm hứng cũng là sự mở rộng của niềm tin. Do đó, khi bạn liên tục nói “Không, việc đó sẽ không hiệu quả đâu” thay vì để nhân viên có ít nhất một cơ hội để triển khai ý tưởng của mình, bạn đang báo hiệu cho họ rằng bạn không tin vào ý tưởng của họ, thậm chí không tin vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. 

Một nhân viên cảm thấy không được tin tưởng sẽ không làm việc với chất lượng tốt nhất, và điều này thậm chí còn có thể gây ra hiệu ứng domino khiến đa số nhân viên trở nên nản chí, thiếu tinh thần làm việc. 

Thay vào đó, hãy đặt nhiều niềm tin hơn vào nhân viên và các cộng sự của mình. Truyền cảm hứng để họ làm việc chăm chỉ hơn và vượt qua giới hạn của chính mình. Tập trung vào năng lượng tích cực ngay cả khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch chính là bí quyết để tăng trưởng bền vững. 

8. Tìm mục tiêu cao hơn

Khi phát triển kỹ năng lãnh đạo, bạn cần biết lý do tại sao mình phải dành nhiều thời gian và nỗ lực cho việc này. Điều gì thúc đẩy bạn? Câu trả lời bật ra khỏi đầu bạn ngay lúc này có thể rất đơn giản: Mức thu nhập nhiều hơn hiện tại hoặc quyền chức cao hơn. 

Tuy nhiên, hãy lùi lại thêm một bước nữa. Tại sao bạn muốn kiếm được nhiều tiền hơn? Có phải vì điều đó mang lại sự an tâm nhiều hơn cho gia đình mình? Có lẽ bạn trở thành người đứng đầu của doanh nghiệp này vì muốn mang lại nhiều giá trị ý nghĩa cho xã hội hoặc tiên phong tạo ra sự thay đổi tích cực trong ngành? 

Đây đều là những mục tiêu cao hơn và bằng cách xác định được nó, bạn có thể làm tốt hơn với tư cách là một nhà lãnh đạo tự tin, hiểu biết và rất đáng để học hỏi. 

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích để phát triển kỹ năng lãnh đạo mỗi ngày. Tham khảo thêm nhiều bài viết cùng chủ đề trên website tuduydoanhchu.com nhé! 

Sean Rad (1986) đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò Tinder vào năm 2012. Mười năm sau, Tinder đã có hàng chục triệu người dùng tích cực trên khắp thế giới và được định giá đến chục tỷ USD. 

Ý tưởng đã đến với chàng trai này ở độ tuổi 25-26 như thế nào? Cùng theo dõi câu chuyện thú vị này nhé. 

Đối với những người mới bắt đầu, Tinder giống như trò chơi “hot or not” (hấp dẫn hay không) dành cho hội độc thân. Luật chơi vô cùng đơn giản. Người dùng sẽ vuốt qua ảnh của những người độc thân khác trong khu vực của mình. Nếu thấy hồ sơ của một ai đó “hot”, họ vuốt sang phải; còn nếu không, chỉ việc vuốt sang trái. Nếu hai người cùng vuốt sang phải ảnh của nhau, họ sẽ trở thành một cặp và sau đó có thể nhắn tin cho nhau. Tính đến thời điểm sau 5 năm ra mắt, đã có 20 tỷ sự kết hợp trên Tinder theo cách này. 

Ứng dụng hẹn hò hàng đầu thế giới ra đời như thế nào?

Theo cuộc trò chuyện cùng Business Insider trên một podcast năm 2017, Rad chia sẻ mình là người luôn tò mò với mọi thứ ngay từ khi còn nhỏ. Khi nhìn thấy một thứ gì đó có thể trở nên tốt hơn, anh cảm thấy bứt rứt và bị thôi thúc bởi việc phải làm gì đó. 

“Tôi luôn quan tâm đến việc giải quyết vấn đề và xây dựng mọi thứ. Tôi đã không bắt đầu hành trình này với câu nói “Tôi muốn khởi nghiệp” hay “Tôi muốn trở thành một doanh nhân”. Tôi chỉ muốn giải quyết các vấn đề, và mong muốn đó đã dẫn tới các hành động tiếp theo”.

Năm nhất đại học, Rad thành lập công ty đầu tiên với tên gọi Orgoo. Vấn đề mà anh nhìn thấy khi đó là mỗi người phải sử dụng nhiều email và tài khoản khác nhau để kết nối với mọi người. Anh có email công việc (vì lúc đó đang đi làm), email trường đại học, email trường trung học, gmail và tài khoản trên các ứng dụng nhắn tin khác nhau. Thời đó điện thoại chưa tiện dụng bằng bây giờ, nên Rad vô cùng khó chịu với việc phải chuyển màn hình liên tục.

Chàng sinh viên khi đó chỉ đơn giản muốn tìm cách kết hợp các tài khoản lại với nhau, và Orgoo tồn tại để xử lý nhu cầu đó. Đó là một thách thức kỹ thuật rất lớn đối với một người chưa bao giờ làm bất cứ việc gì liên quan đến kỹ thuật, nhưng Rad đã làm được vì biết chắc sẽ có cách thuận lợi hơn trong giao tiếp online. 

Orgoo ra mắt vào năm 2004 và có đến hơn 1 triệu lượt đăng ký trong 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, do vướng phải vấn đề về IP với một công ty khác, startup này buộc phải đóng cửa. 

Sau thất bại với Orgoo, Rad tham gia Hatch Labs, một vườn ươm khởi nghiệp, nơi anh có thể thử nghiệm những ý tưởng mới lạ và theo dõi hiệu quả của chúng. Tinder đã ra đời tại đó với tên gọi ban đầu là Matchbox. 

Ý tưởng này xuất hiện bởi vì Rad vốn là một thanh niên trẻ nhút nhát luôn thấy khó khăn khi gặp gỡ ai đó và giới thiệu về bản thân. 

“Một lần nọ, tôi đang ngồi trong quán cà phê và có một cô gái đi ngang qua. Tôi nhìn cô ấy, cô ấy nhìn lại, rồi tôi chợt nghĩ: “Ồ, nàng bắt gặp mày nhìn nàng rồi”. 

Lúc đầu tôi rất lo lắng, nhưng sau đó cô ấy mỉm cười và dường như ra tín hiệu rằng muốn trò chuyện với tôi. Khi đó sự lo lắng của tôi mới dịu xuống. Sau này tôi bắt đầu nghĩ về điều đó và phân tích kỹ, rằng nếu bạn có thể loại bỏ câu hỏi liệu ai đó có muốn gặp gỡ mình hay không, thì bạn sẽ loại bỏ đáng kể những rào cản trong việc kết nối với người khác. Và đó chính là khởi nguồn ý tưởng của Tinder”. 

Tăng trưởng vượt bậc nhờ marketing truyền miệng

Rad biết rằng Tinder sẽ làm nên chuyện bởi lượng tương tác “khủng” ngay từ lúc bắt đầu. Justin Mateen, người đồng sáng lập Tinder khi đó đã tìm cách quảng bá ứng dụng bằng cách lấy điện thoại của tất cả mọi người và gửi thư giới thiệu.

“Chúng tôi đã nhắn tin cho 500 người. Ngay lập tức, 80% trong số đó đăng ký ứng dụng. Qua hôm sau, nó tiếp tục tăng trưởng thêm 50%. Các chỉ số và mức độ tương tác đều gây sốc”, Rad kể lại. 

Nhưng mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi những người đăng ký đầu tiên, chủ yếu là bạn bè của nhóm Rad kể lại trải nghiệm hẹn hò của họ qua ứng dụng. Có những người vốn biết nhau nhưng chưa bao giờ bộc lộ bất kỳ sự quan tâm nào đã kết nối với nhau một cách dễ dàng hơn nhờ Tinder. Đó là dấu hiệu cho thấy điều này có thể tác động rất lớn đến xã hội. 

Những thanh niên trẻ sáng lập nên ứng dụng xác định sinh viên đại học là đối tượng tiềm năng và có thể đưa ra những phê bình rất gay gắt cho ứng dụng. Họ quyết tâm chinh phục đối tượng này bằng cách lái xe đi tìm các hội nam sinh và nữ sinh ở khắp Los Angeles, rồi San Diego và quận Cam – mọi trường học mà họ có thể đến. Mỗi lần gặp gỡ một hội nhóm nào đó và nói về Tinder, đêm hôm đó họ sẽ có thêm khoảng 100 lượt đăng ký mới. 

Mọi đăng ký ban đầu đều có ý nghĩa vô cùng lớn. Do đó, họ thậm chí quảng bá Tinder với những người xa lạ trên phố. Họ đi vào quán cà phê và giả vờ trò chuyện với nhau “Có nghe nói về ứng dụng Tinder bao giờ chưa? Thấy bảo hay lắm”. Bất cứ việc gì có thể làm để truyền đạt thông tin, họ đều không ngần ngại bắt tay làm. 

Đầu tháng 1, Tinder có 20.000 người dùng, đến cuối tháng đã lên đến 500.000. Ngay trong năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường, đường cong tăng trưởng cứ thế vượt ngoài sức tưởng tượng của Rad, dù khởi đầu của họ chẳng lấy gì làm phức tạp. 

Cho đến 10 năm sau, khi những con số đã đạt ngưỡng đáng mơ ước với hầu hết doanh nhân trẻ khởi nghiệp, Rad đã phải trải qua rất nhiều bài học lớn trên thương trường, bao gồm cả những vụ kiện tụng ồn ào. Tuy vẫn đang học cách vận hành và duy trì công ty trên thị trường ngày càng cạnh tranh, Rad và câu chuyện khởi nghiệp của anh vẫn là nguồn cảm hứng của đông đảo người trẻ. Thành công không nhất thiết phải đến từ những gì đao to búa lớn, đôi khi những ý tưởng đơn giản có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn. 

 

Dù huy động được mức vốn hàng triệu, hàng tỷ USD, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn phải tuyên bố dừng hoạt động trong bối cảnh khó khăn của thị trường thế giới. 

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi toàn bộ cách thế giới vận hành. Trong khi một số doanh nghiệp tìm thấy ánh sáng để xoay chuyển tình thế theo cách tốt đẹp hơn, không ít doanh nghiệp đã không thể trụ vững trước cơn sóng dữ dội này. Đối với các công ty khởi nghiệp, không khó để hình dung những khó khăn họ phải gồng gánh giữa thời Covid, dẫn đến những cú “ngã ngựa” không mong muốn dù tiềm năng phát triển vô cùng lớn. 

Dưới đây là một số thương vụ thất bại nổi tiếng trong năm 2021 mà TechCrunch đã điểm lại. 

Chanje (2015-2021)

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California, được biết đến với hoạt động nhập khẩu xe tải điện từ Trung Quốc và cung cấp cho các công ty lớn như FedEx, Ryder, Amazon… Tháng 11/2018, Chanje làm việc với FedEx và chốt được đơn hàng 1.000 xe giao hàng điện, giúp FedEx đẩy mạnh điện hóa đội xe giao hàng của mình. Đây là một cột mốc lớn với công ty khởi nghiệp mới hoạt động được 3 năm và mở ra rất nhiều cơ hội tiềm năng khác. 

Tuy nhiên, năm 2021, Chanje bất ngờ tuyên bố phá sản, kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ  đến FedEx và nhiều khách hàng khác. Nguyên nhân là Chanje đã hợp tác với một công ty Trung Quốc vừa rơi vào tình trạng phá sản. CEO Bryan Hansel của Chanje đã thuyết phục các nhà đầu tư mua lại công ty Trung Quốc này để cứu vãn tình thế, nhưng nỗ lực này đã thất bại. 

Công ty đã bị kiện bởi ít nhất 4 nhân viên do vấn đề nợ lương. Ryder đòi bồi thường 3 triệu USD khi không nhận được xe đã đặt hàng. Trong khi đó,  FedEx cũng chưa bao giờ nhận được chiếc xe tải điện nào trong thương vụ năm 2018. Điều này dẫn đến việc gã khổng lồ giao hàng buộc phải từ bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tính phí tại các kho hàng FedEx trên khắp bang California. Dù FedEx cũng đang khởi kiện Chanje với nỗ lực đòi lại vài triệu USD họ đã bỏ ra cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng này, tương lai của vụ kiện có vẻ khá ảm đạm.

Dark Sky (2012-2021)

Dark Sky – ứng dụng dự báo thời tiết trên điện thoại đã được Apple mua lại vào tháng 3/2020 nhờ độ chính xác và khả năng dự báo cấp tốc thời tiết địa phương. Rõ ràng các tính năng nổi bật của Dark Sky đã thu hút sự quan tâm của gã khổng lồ công nghệ và nhiều tính năng trong số đó đã được tích hợp vào ứng dụng thời tiết của iPhone. Apple ban đầu tuyên bố ứng dụng Dark Sky trên hệ điều hành Android sẽ ngừng hoạt động ngay trong tháng 7 cùng năm, tuy nhiên số phận của ứng dụng iOS và dịch vụ API vẫn mờ nhạt (Dịch vụ API cho phép các nhà phát triển khác khai thác cơ sở dữ liệu của Dark Sky). 

Đến tháng 6/2021, ứng dụng iOS và dịch vụ API chính thức có ngày hết hạn. Adam Grossman, nhà đồng sáng lập của Dark Sky thông tin: “Dịch vụ API Dark Sky cho khách hàng hiện tại sẽ tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 2022. Ứng dụng iOS và trang web Dark Sky cũng sẽ khả dụng đến cuối năm 2022”. Đây không phải thông báo ngừng hoạt động rõ ràng, nhưng nó đã ngụ ý về “ngày tàn” của Dark Sky. 

Katerra (2015-2021)

Công ty khởi nghiệp này đã một thời là “con cưng” của giới công nghệ xây dựng. Katerra từng tham vọng sở hữu hàng loạt công nghệ xung quanh các dự án xây dựng, bao gồm cả cao ốc văn phòng hay các tòa dân cư. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, những dấu hiệu nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện. Công ty khởi nghiệp này được cho là đang trên bờ vực nộp đơn xin phá sản dù tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank đã đưa ra khoản cứu trợ 200 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền này quá ít ỏi và đến quá muộn với tình thế của Katerra. Cách tiếp cận tích hợp theo chiều dọc của Katerra không thể theo kịp chi phí lao động và vật liệu xây dựng ngày một tăng, do đó chi phí của một số dự án đã vượt mức ngân sách, trong khi nhiều dự án khác ngưng trệ do đại dịch. 

Ngày 1/6/2021, Kattera thông báo chính thức đóng cửa sau khi đốt cháy hơn 2 tỷ USD được tài trợ. Công ty khởi nghiệp này đã có lúc được định giá 4 tỷ USD và xây dựng được đội ngũ hơn 8.000 nhân viên. Ở thời điểm tuyên bố đóng cửa, công ty được cho là có tổng cộng 2.400 nhân viên. 

Đây là thất bại nổi tiếng thứ hai của tập đoàn đầu tư SoftBank, sau Wework, đồng thời cũng dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng niềm tin dành cho ngành công nghệ xây dựng nói chung. 

Houseparty (2015-2021)

Trước khi “chìm xuồng”, Houseparty đã có thời điểm phát triển rực rỡ. Trong những giai đoạn đầu của đại dịch, ứng dụng trò chuyện qua video nhóm này tuyên bố đạt được 50 triệu lượt đăng ký mới mỗi tháng, khi con người có nhu cầu tìm kiếm các kết nối ảo trong bối cảnh cách ly. Tuy nhiên, đợt bùng nổ đó không đủ sức giúp Houseparty duy trì được độ nóng của mình. Tháng 9/2021, Epic Games đã thông báo đóng cửa Houseparty vào tháng 10, sau 2 năm mua lại công ty với mức giá 35 triệu USD.

Có nhiều lý do được suy luận liên quan đến sự thất bại của ứng dụng nổi tiếng một thời, bao gồm sự nổi lên của Clubhouse cho đến mức độ phủ sóng của Zoom. Tuy nhiên, trong thông báo ngừng hoạt động, giám đốc điều hành và nhà sáng lập Houseparty ám chỉ đó là sự thay đổi liên quan đến chiến lược. 

Houseparty sẽ tồn tại như một phần cốt lõi của tính năng voice chat trong Fortnite và trong các dự án khác của Epic Games. 

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng trong bối cảnh bình thường, chưa kể khi phải chịu những tác động khó lường từ đại dịch. Chúng ta cùng hy vọng một năm 2022 khởi sắc hơn đối với các doanh nghiệp, khi các doanh nhân và nhà đầu tư nắm bắt được tốt hơn xu thế phát triển của ngành kinh tế sau đại dịch.

Nguồn: TechCrunch

Một trong những tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 là khiến hầu hết trường học trên toàn thế giới phải đóng cửa, gây ảnh hưởng đến 1,2 tỷ trẻ em ở 186 quốc gia. Thị trường giáo dục trực tuyến trở nên sôi động hơn bao giờ hết, thu hút rất nhiều doanh nhân trên toàn thế giới tham gia vào lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, không phải tất cả tổ chức giáo dục đều nhân cơ hội này để tích cực thu lợi nhuận. Khan Academy (Học viện Khan), tổ chức được thành lập năm 2005 vẫn quyết tâm theo đuổi sứ mệnh cung cấp “một nền giáo dục miễn phí, đẳng cấp thế giới cho tất cả mọi người, dù ở bất kỳ đâu”.

Hành trình bắt đầu từ Youtube

Sau khi hoàn thành chương trình học tại MIT và sau đó là Harvard, Sal Khan (1976) bắt đầu làm công việc phân tích tài chính vào năm 2004. Trong thời gian này, ông hỗ trợ người em họ đang gặp khó khăn với môn Toán bằng cách dạy kèm từ xa. 

Khi nhiều người thân và họ hàng nghe đến việc dạy kèm miễn phí, họ cũng mở lời nhờ giúp đỡ. Nhu cầu của mọi người ngày càng cao, do đó một người bạn của Khan khuyên ông quay lại bài giảng của mình và đăng lên Youtube để mọi người có thể xem bất cứ lúc nào. 

Tuy có chút nghi ngại lúc ban đầu, Khan quyết định sẽ thử. Sử dụng một chiếc bảng đen kỹ thuật số, Khan hướng dẫn về những khái niệm Toán học cơ bản và quay thành những video ngắn khoảng 10 phút. Tin tức về bài giảng miễn phí trên Youtube lan nhanh và Khan nhận được ngày một nhiều bình luận tích cực cùng những lời cảm ơn chân thành. 

Vào năm 2009, khi đang làm việc cho một quỹ đầu cơ, Khan quyết định nghỉ việc và dồn tâm sức cho việc xây dựng Khan Academy – nền tảng công nghệ giáo dục trực tuyến miễn phí cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. 

Theo Forbes, đến năm 2012, các video của Khan Academy đã thu hút tổng cộng 200 triệu lượt xem. Trang web được sử dụng bởi 6 triệu học sinh mỗi tháng và tài liệu miễn phí của học viện trở thành một phần (chính thức hoặc không chính thức) của chương trình giảng dạy trong 20.000 lớp học trên khắp thế giới. 

Đến năm 2019, nền tảng của Khan Academy chứa các bài tập thực hành, video hướng dẫn, công cụ giúp học sinh tự học theo tốc độ của riêng mình. Các môn học vô cùng đa dạng, từ toán học cơ bản đến vật lý, sinh học, kinh tế, lịch sử nghệ thuật, khoa học máy tính, sức khỏe và y học…

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Khan Academy:

– Khan Academy có hơn 13.000 video hướng dẫn ngắn, 429 khóa học, 4347 bài viết, hơn 74.000 bài toán với các câu đố tương tác và công cụ lập bản đồ tăng trưởng học tập cho học sinh. 

– Khan Academy có video bằng 43 ngôn ngữ. 

– 8,7 tỷ phút học tập đã được thực hiện trên nền tảng Khan Academy vào năm 2019. 

Sơ đồ tăng trưởng người dùng từ 2014-2019. Nguồn: Khan Academy

Theo CBS News, trước đại dịch, học sinh trên toàn cầu sử dụng trung bình 30 triệu phút mỗi ngày để học tập trên nền tảng Khan Academy. Con số này tăng gấp 3 lần lên khoảng 85 triệu phút mỗi ngày sau khi đại dịch bùng nổ.  

Khan Academy kiếm tiền bằng cách nào? 

Những người bạn của Sal Khan tại Thung lũng Silicon đã hỏi ông về mô hình kinh doanh và rất ngạc nhiên khi nghe Khan đáp rằng không có mô hình kinh doanh nào cả. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là Khan Academy đã kiếm tiền bằng cách nào và sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện sứ mệnh giáo dục miễn phí? Câu trả lời là thông qua hoạt động quyên góp. 

Khan Academy đã nhận được khoản tài trợ đáng kể đầu tiên trị giá 10.000 USD từ Ann Doerr, vợ của tỷ phú đầu tư mạo hiểm John Doerr, người về sau đã quyên góp 100.000 USD khi biết tổ chức Khan hoạt động phi lợi nhuận. Năm 2010, Bill Gates nói với một khán giả tại Aspen Ideas Festival rằng ông dùng nền tảng Khan Academy để dạy học cho con. Ngay sau đó, Sal Khan được hẹn đến gặp Gates, từ đó Quỹ Bill và Melinda Gates đã trở thành quỹ ủng hộ lớn nhất của Khan Academy.  

Tiếng lành đồn xa, các công ty như Google, NewSchools Venture Fund, CEO Netflix Reed Hastings và tỷ phú người Mexico Carlos Slim cũng tham gia đóng góp. Trong vòng hai năm hoạt động, thông qua các khoản quyên góp, Học viện Khan đã huy động được 16,5 triệu USD và con số chắc chắn không dừng lại ở đó. 

Năm 2014, Khan Academy đã thành lập một trường tư thục ngoại tuyến có tên Khan Lab School dành cho trẻ em từ 5-18 tuổi, với mục đích mang đến các phương pháp mới trong giáo dục. Một phần doanh thu được tạo ra từ trường này dưới hình thức học phí. 

Đến tháng 1 năm 2021, Elon Musk – ông trùm kinh doanh công nghệ và người giàu nhất thế giới đã quyên góp 5 triệu USD cho Khan Academy thông qua Quỹ Musk. 

Với sự thay đổi của giáo dục từ phương pháp giảng dạy truyền thống trên lớp học sang giáo dục kỹ thuật số do đại dịch, Khan Academy có thể tận dụng cơ hội này để thực hiện sứ mệnh giáo dục miễn phí của mình. 

Huy động được nguồn tài chính ấn tượng từ những nhân vật quan trọng trên thế giới, mô hình kinh doanh của Khan Academy có thể truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp để giúp giáo dục tiếp cận với tất cả mọi người một cách miễn phí hoặc với chi phí tối thiểu.

“Đừng làm công việc vì tiền và điều đó sẽ mang lại lợi nhuận cho bạn”. Đây có lẽ là bài học thú vị nhất mà chúng ta học được từ câu chuyện khởi nghiệp này.